Cần tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận tín dụng

Thứ hai, 15/12/2014 09:38
(ĐCSVN) - Thời gian vừa qua, việc tiếp cận tín dụng được cho là vấn đề khó khăn nhất đối với doanh nghiệp trong hai năm 2011 và 2013. Tuy nhiên, Việt Nam đã có những tiến bộ mới trong việc mở rộng tiếp cận tài chính, chẳng hạn như tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn đã giảm từ 45% trong năm 2011, xuống 30% trong năm 2013. 

Tuy vẫn còn dư địa để mở rộng tiếp cận tài chính, nhưng Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong lĩnh vực này. Theo một số liệu của Khảo sát tiếp cận tài chính do Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân mở tài khoản tín dụng ở Việt Nam nhiều hơn so với các quốc gia được so sánh. Tuy nhiên, theo số liệu từ Trung tâm Thông tin tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), việc mở rộng tiếp cận dường như vẫn gặp nhiều trở ngại. Chẳng hạn, do đặc thù các doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn kinh tế sở hữu nhiều công ty con dưới hình thức doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên có thể làm sai lệch mức độ tiếp cận tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 
 Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho bà con
phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương vay vốn. (Nguồn: binhduong.gov.vn)

Theo số liệu khảo sát doanh nghiệp của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) cũng cho thấy, các công ty nhìn nhận tiếp cận tài chính vẫn là cản trở chính. Việc yêu cầu về tài sản thế chấp khi cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tỷ lệ tài sản thế chấp trên số vốn vay bằng 218%, cao hơn so với hầu hết các nước so sánh. Tỷ lệ mở tài khoản tiền gửi của Việt Nam cũng thấp hơn so với các quốc gia so sánh, mặc dù có tăng trưởng gần đây, song lĩnh vực bảo hiểm vẫn còn nhỏ. Chương trình bảo hiểm nông nghiệp do Chính phủ khởi xướng vẫn đang dừng lại trong quá trình thí điểm. Nhìn chung, chất lượng, phạm vi và chiều sâu của tất cả các dịch vụ tài chính vẫn hạn chế, mặc dù tiềm năng phát triển và chuyên môn hóa sản phẩm là đáng kể.

Nhìn chung, tiếp cận tài chính của Việt Nam chủ yếu dựa vào sự can thiệp của các ngân hàng chính sách và một số ngân hàng thương mại nhà nước. Các cơ quan quản lý chủ yếu dựa vào các ngân hàng chính sách được tài trợ từ ngân sách nhà nước là Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (ở phạm vi nhỏ hơn) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam để đẩy mạnh chương trình tiếp cận tài chính.

Kiểm soát giá là một đặc điểm phổ biến. Việc hỗ trợ ngân sách cho Ngân hàng Chính sách xã hội (và cả Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đã cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội hạ lãi suất xuống dưới mức thị trường đối với các sản phẩm cho vay khách hàng thu nhập thấp theo tôn chỉ hoạt động của mình. Tại khu vực nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chiếm đa số thị phần tín dụng.

Để đạt được những tiến bộ hơn nữa về tiếp cận tài chính, đòi hòi phải tăng cường nhiều hơn hạ tầng tài chính, cải cách thể chế và phát triển thị trường sản phẩm. Hạ tầng được cải thiện sẽ khuyến khích tham gia rộng hơn vào lĩnh vực này. Các cơ quan quản lý có thể xem xét, xây dựng các chuẩn mực báo cáo tài chính đáng tin cậy cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo sự hài hòa giữa tính công khai và giản tiện. Có thể bắt đầu bằng việc áp dụng các chuẩn mực tài chính quốc tế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trung tâm Thông tin tín dụng nên mở rộng phạm vi thu thập số liệu đến các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp, khả năng sinh lời kém và những quan ngại về khả năng thanh khoản, chỉ số dòng tiền và Ngân hàng Chính sách xã hội. Trung tâm Thông tin tín dụng tuy mới đi vào hoạt động, nhưng đã có thể làm tăng tính cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ đối với khách hàng. Khuôn khổ cho vay dựa trên tài sản đảm bảo cần được tăng cường hơn nữa. Mô hình thiết kế của Quỹ Bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam nên được chỉnh sửa để mở rộng phạm vi đối tượng và cho phép bổ sung. Sử dụng ít chính sách kiểm soát giá cũng sẽ giúp loại bỏ những méo mó trong thị trường và những trở ngại có thể có đối với việc mở rộng thành viên tham gia thị trường.

Những yếu kém của một số tổ chức tín dụng cần phải được xử lý, bao gồm các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp, khả năng sinh lời kém và những quan ngại về khả năng thanh khoản và hai ngân hàng chính sách. Ngân hàng Chính sách xã hội cần được tái cơ cấu để giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và có thể cung cấp các sản phẩm tài chính theo điều kiện thị trường. Cần nỗ lực hơn nữa đối với việc phát triển thị trường sản phẩm, đặc biệt là khuyến khích tiết kiệm và tài trợ nông nghiệp…

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực