Chú trọng các nhóm giải pháp phát triển thị trường trái phiếu trong năm 2014

Thứ sáu, 14/02/2014 14:36

(ĐCSVN) - Với những tín hiệu tốt từ thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) Việt Nam trong năm 2013, năm 2014, thị trường đang lấy đà để đạt được những thành công mới, nhất là trong bối cảnh thị trường đang được tiếp sức mạnh mẽ từ Bộ Tài chính và Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).

 

 Ảnh minh họa. Nguồn: vietstock.vn


Thống kê cho VBMA cho thấy, kết thúc năm 2013, thị trường TPCP Việt Nam ghi hai dấu ấn quan trọng: Một là, đạt quy mô vốn huy động cao kỷ lục (195.000 tỷ đồng); hai là, trở thành thị trường có mức tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á.

Theo đánh giá của Vụ Tài chính - ngân hàng (Bộ Tài chính), thị trường TPCP đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng, (19,0% GDP) bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng (94,1% GDP) và thị trường cổ phiếu (31,0% GDP). Khối lượng phát hành TPCP có sự tăng trưởng mạnh kể từ năm 2010 đến nay, dư nợ TPCP/GDP được giữ ổn định: Năm 2010 là 19,59% GDP; năm 2011 là 17,12% GDP; năm 2012 là 16,59% GDP và năm 2013 là 19% GDP. Điều đáng mừng là lãi suất phát hành TPCP có xu hướng giảm dần. Đặc biệt năm 2013, lãi suất phát hành giảm 1,0% - 1,7% với kỳ hạn 1 - 3 năm; giảm 0,75% kỳ hạn 5 năm và giảm 0,25% kỳ hạn 10 năm. Với TPCP bảo lãnh (do Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển phát hành), lãi suất cũng giảm theo xu hướng giảm lãi suất TPCP, cụ thể giảm 0,95 - 1,50% (kỳ hạn 2 và 3 năm); giảm 0,20 - 0,30% (kỳ hạn 5 và 10 năm).

Trên thị trường thứ cấp, điểm tích cực dễ thấy nhất là thanh khoản được cải thiện đáng kể, theo đó, khối lượng giao dịch bình quân ngày tăng từ 1.200 tỷ đồng/ngày trong năm 2012 lên 1.600 tỷ đồng/ngày trong năm 2013; số mã trái phiếu niêm yết là 88 mã tại 31/12/2013, giảm 5 mã so với năm 2012 và giảm trên 100 mã so với năm 2010.

Có được kết quả này, theo đánh giá của Bộ Tài chính, là do một số yếu tố chính. Trong đó, phải kể đến chính sách tiền tệ tại Việt Nam trong năm 2013 đã được điều hành một cách hợp lý, có phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và với chính sách tài khóa.

Bước vào năm 2014, trên cơ sở cân đối các chỉ tiêu vĩ mô, Chính phủ đặt mục tiêu huy động 210.000 tỷ đồng TPCP và 51.000 tỷ đồng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Bên cạnh đó, dự kiến năm nay có khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng trái phiếu do các chính quyền địa phương phát hành, nhằm đầu tư cho các công trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương; các dự án có khả năng hoàn vốn.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Bộ Tài chính cho biết, sẽ thực hiện 3 cụm giải pháp lớn, bao gồm: Sửa Thông tư 17/2012, 34/2012 để hoàn thiện kỹ thuật và thủ tục phát hành TPCP, TPCP bảo lãnh; quy định điều kiện và đánh giá thành viên; sửa Thông tư 81/2012 về phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (quý II/2014); sửa Thông tư 150/2011 để hoàn thiện, rút ngắn thời gian quy trình hoán đổi TPCP, đồng thời xây dựng dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện (quý IV/2014), để tăng thêm sức cầu cho thị trường. Về công ty định mức tín nhiệm, dự kiến ngay trong quý I năm 2014 này, sẽ xây dựng dự thảo Nghị định về dịch vụ định mức tín nhiệm, góp phần chuyên nghiệp hóa thị trường trái phiếu. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền vào năm 2015 việc chuyển hệ thống thanh toán từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước; hình thành các đại lý cấp I theo thông lệ quốc tế và sửa đổi văn bản hướng dẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2015.

Về điều hành thị trường, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục minh bạch hóa hơn nữa thị trường TPCP và tổ chức đối thoại, trao đổi định kỳ với thành viên thị trường để nắm bắt nhu cầu đầu tư, cũng như các nhận định về xu hướng lãi suất để điều chỉnh kế hoạch phát hành phù hợp. Một giải pháp không thể thiếu khác là sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tăng cường trao đổi thông tin chính sách, nhằm tăng cường sự liên thông giữa thị trường tiền tệ và thị trường trái phiếu năm 2014.

Với nhiều nỗ lực và cả sự cầu thị của nhà quản lý trong mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu hiện đại, nhiều thành viên thị trường tin rằng, thị trường TPCP năm 2014 sẽ tiếp tục diễn biến lạc quan. Ngay từ tháng 1/2014, lượng TPCP qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã vượt 60% so với cùng kỳ năm 2013, báo hiệu một năm mới thành công hơn của thị trường này.

Trước những tín hiệu lạc quan trên, VBMA cũng dự báo, thị trường trái phiếu Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển theo hướng lành mạnh và tích cực hơn trong năm 2014. Diễn biến kinh tế vĩ mô có chiều hướng tiếp tục ổn định, chất lượng tăng trưởng từng bước được nâng lên với quyết tâm và sự kiên định của Chính phủ trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Trong điều kiện đó, lạm phát, tỷ giá được cam kết kiểm soát ổn định, lãi suất được duy trì ở mức hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đây sẽ là những nền tảng cơ bản giúp tiếp tục bồi đắp niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khích lệ các nhà đầu tư tiếp tục tham gia vào thị trường trái phiếu Việt Nam.

Thêm vào đó, khối lượng trái phiếu phát hành mới trong năm 2014 dự kiến sẽ tiếp tục được tăng lên cùng với việc tiếp tục cải tiến phương thức phát hành theo lô lớn và tái cấu trúc các trái phiếu cũ sẽ giúp tăng cung hàng hóa có chất lượng cao hơn cho thị trường.

Ngoài ra, với sứ mạng hoạt động nhằm thúc đẩy và nâng cao tính chuyên nghiệp của thị trường trái phiếu Việt Nam, trong năm 2014, VBMA cũng đưa ra chương trình hành động cả năm với trọng tâm xây dựng trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp, xây dựng hợp đồng khung chuẩn cho giao dịch Repo; mở rộng đối tượng tham gia thỏa thuận của các nhà tạo lập thị trường MMA nhằm cung cấp giá trái phiếu tốt nhất cho thành viên; xây dựng đường lãi suất cho vay liên ngân hàng chuẩn VNIBOR. Nói cách khác, VBMA tiếp tục tập trung triển khai các mảng hoạt động chính và chú trọng vào một số dự án mới. Đáng chú ý, sẽ xây dựng và dự kiến ban hành bộ cẩm nang về tư vấn và phát hành trái phiếu doanh nghiệp./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực