Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Chủ nhật, 24/08/2014 14:41

(ĐCSVN) - Ở nhiều nước trên thế giới hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt từ lâu đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến. Tại Việt Nam, thời gian gần đây hoạt động thanh toán thẻ qua POS (máy cà thẻ thanh toán) đang từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế, nổi bật là tại các thành phố lớn, góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)


Phấn đấu đạt khoảng 200 triệu giao dịch qua POS vào cuối năm 2015

Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/12/2011. Mục tiêu của Kế hoạch này là nâng dần số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua POS, đưa thanh toán qua POS trở thành thói quen của chủ thẻ; phấn đấu đạt mục tiêu trên cả nước có khoảng 200.000 POS được lắp đặt và số lượng giao dịch đạt khoảng 80 triệu giao dịch/năm vào cuối năm 2014, khoảng 250.000 POS được lắp đặt và số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm vào cuối năm 2015.

Đề án nhằm mục đích đa dạng hóa dịch vụ thanh toán, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử, chú trọng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực nông thôn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của nền kinh tế, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt về tập quán thanh toán trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý nhà nước.

Đề án chủ trương phát triển thanh toán điện tử với nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, đa dạng, an toàn, thuận tiện; trong đó trọng tâm là phát triển thanh toán qua điểm chấp nhận thẻ để giảm thanh toán bằng tiền mặt, tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong bộ phận lớn dân cư. Đồng thời, tăng cường quản lý thanh toán bằng tiền mặt, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán.

Để đạt mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục phát triển mạng lưới POS và giao dịch thanh toán qua thẻ POS; tăng cường sự liên kết và phối hợp giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các nhà cung cấp giải pháp, các NHTM, các tổ chức thẻ quốc tế và một số đối tác khác để phát triển mạnh thanh toán POS trên thiết bị di động (mPOS); xây dựng và hoàn thiện hạ tầng chuyển mạch POS; cải tiến và tăng cường khả năng kết nối, đáp ứng yêu cầu tăng lên về số lượng POS và nâng cao chất lượng dịch vụ POS; triển khai các biện pháp vận động, khuyến khích kết hợp với các biện pháp khác đối với đơn vị chấp nhận thẻ và chủ thẻ để thúc đẩy phát triển thanh toán qua POS.

Những kết quả bước đầu

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, tạo sự thay đổi trong nhận thức và thói quen của doanh nghiệp và cá nhân. Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 6/2014, cả nước có 37 NHTM lắp đặt được 149.000 POS, tăng khoảng 15% so với cuối năm 2013, đạt 75% kế hoạch năm 2014. Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam có trên 49.600 máy, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam có trên 49.400 máy, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam có trên 10.600 máy, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có trên 9.100 máy. Đây là 04 ngân hàng có số lượng POS lớn nhất, chiếm gần 80% tổng số POS trên thị trường. Các điểm chấp nhận thẻ POS tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với số lượng lần lượt là trên 19.200 máy và trên 28.000 máy, hai địa phương này chiếm trên 30% tổng số POS trên toàn quốc. Đến cuối tháng 6/2014, trên 14,6 triệu giao dịch đã được thực hiện qua POS, đạt 18% kế hoạch năm 2014 (trong đó giao dịch rút tiền mặt chiếm khoảng 3,8%); tổng giá trị giao dịch đạt trên 75.700 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch rút tiền mặt chiếm 50%.

Theo báo cáo của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, khu vực có số lượng giao dịch lớn là các tỉnh, thành phố lớn có điều kiện kinh tế phát triển, nơi tập trung nhiều trung tâm mua sắm, khu du lịch, khu vui chơi giải trí. Dẫn đầu là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, tiếp đó là Hải Phòng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số địa phương khác; số lượng POS và giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua POS tại các tỉnh ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn thấp.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2014, có 05 ngân hàng đề nghị NHNN chấp thuận triển khai dịch vụ thanh toán thẻ qua mPOS. Bao gồm, Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Á châu. Trong số này, Sacombank đã được NHNN chấp thuận cho phép triển khai và đang bổ sung hồ sơ theo hướng dẫn để triển khai thanh toán thẻ qua mPOS và thí điểm sử dụng hóa đơn thanh toán thẻ điện tử.

Có thể thấy, hoạt động thanh toán thẻ qua POS đã có chuyển biến tích cực, các đơn vị chấp nhận thẻ đã có nhận thức tích cực về thanh toán thẻ qua POS và phối hợp tích cực với các NHTM trong việc mở rộng hoạt động thanh toán thẻ qua POS.

Bên cạnh việc sử dụng thẻ để rút tiền tại các máy giao dịch tự động (ATM), chủ thẻ đã dần quen với việc dùng thẻ để thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ tại những nơi có lắp đặt POS. Các NHTM đã tích cực tuyên truyền, quảng bá về dịch vụ thanh toán thẻ qua POS và mạnh dạn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán thẻ như lắp đặt POS mới; kết nối liên thông hệ thống, nâng cấp đường truyền, liên kết với các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ (trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng, v.v), các đơn vị cung cấp dịch vụ công (trường học, bệnh viện) phát hành thẻ và lắp đặt POS.

Một số NHTM đã triển khai các chương trình khuyến mại, ưu đãi hấp dẫn đối với khách hàng dùng thẻ thanh toán qua POS; phối hợp với các đơn vị cung cấp giải pháp để nghiên cứu triển khai việc thanh toán thẻ qua mPOS. So với thanh toán qua thẻ POS, thanh toán qua mPOS có nhiều ưu điểm và chi phí đầu tư thấp hơn.

Để khuyến khích người dân dùng thẻ và các phương thức thanh toán không dùng bằng tiền mặt, thời gian tới, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, các ngân hàng thương mại cần đưa ra một chính sách phí hợp lý liên quan đến việc sử dụng thẻ nhằm khuyến khích nhiều cá nhân tham gia vào sử dụng thẻ thanh toán; tiếp tục đẩy mạnh số lượng POS phục vụ cho nhu cầu thanh toán hàng ngày của người dân.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực