Di tích đền Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử

Thứ ba, 29/12/2015 16:33
Những ngày cuối năm này, Ban quản lý Di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và người dân xã Lý Học (huyện Vĩnh Bảo) đang khẩn trương chỉnh trang lại toàn thể khu di tích để chuẩn bị cho lễ hội đền Trạng Trình và kỷ niệm 430 ngày mất danh nhân văn hóa lỗi lạc của đất nước (1585-2015).

Khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là di tích Quốc gia đặc biệt.  


Trở lại quần thể di tích đền thờ danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thôn Trung Am (xã Lý Học) vào những ngày giữa tháng 12, trên con đường dẫn vào đền, gió lồng lộng thổi từ cánh đồng bát ngát, đem đến hương đồng cỏ nội. Tuy không phải ngày lễ nhưng lượng du khách đến đây khá đông.

Bước qua cổng tam quan có ba chữ Hán: Trung Am Tự (tức đền Trung Am), đi thêm vài chục mét là đền thờ Trạng Trình. Đền có 3 gian tiền đường và 2 gian hậu cung được lập nên từ nền nhà cũ của quan Trạng. Đền được xây sau khi Trạng Trình mất (1585), là nơi đặt tượng thờ và bài vị của người. Tượng Trạng Trình được làm bằng gỗ, ngồi trên ngai, mình mặc áo rồng vua ban, đầu đội mũ cánh chuồn, tay phải cầm cuốn tập giơ lên như đang giảng bài cho các học trò. Phía trước đền, 2 con rồng đá ngự bên bức bình phong như trang sách mở ra tôn thêm vẻ trang nghiêm. Cây đa cổ thụ thân to mấy người ôm không xuể, rễ buông mành xuống sân. Bên cạnh, hồ Thái Nhâm tung tăng cá vàng bơi lội trong làn nước xanh mát. Các em nhỏ thích thú đứng trên cây cầu đá bắc qua hồ ngắm nhìn hàng giờ đồng hồ những chú cá quẫy nước, đớp mồi.

Phía sau đền là nhà thờ thân sinh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng gỗ nằm giữa tán cây um tùm, bồn hoa được cắt tỉa chu đáo. Tiếp đến là khu nhà được lợp bằng cói mô phỏng Bạch Vân Am trước đây. Khoảnh sân nhỏ cũng là lát cắt trong quãng đời của Trạng Trình - Bạch Vân cư sĩ từ sau khi cáo quan về ở ẩn với những bức tượng đủ hình hài, những đứa trẻ nhỏ cùng bố mẹ đến xin cụ dạy chữ, rồi những vị quan vốn là học trò đến vấn an thầy… Khu nhà trưng bày còn lưu giữ bút tích, những kiệt tác văn học với những bản in cổ, những lời sấm truyền thể hiện khả năng nhìn thấu cổ kim của một nhà thông thái có tài tiên tri kiệt xuất. Dạo bước trong khu di tích, thả hồn vào không gian làng quê yên bình với rặng tre xanh ngắt, cây cối xum xuê thấy lòng thanh thản.

Nằm ở bên phải đền thờ Trạng Trình, khu vườn tượng với những bức tượng kích thước và hình dáng như thật diễn tả cuộc đời dạy học thanh bạch của quan Trạng. Rất nhiều du khách thích thú ghi lại những bức ảnh kỷ niệm nơi này, không chỉ bởi giá trị thẩm mỹ mà còn có ý nghĩa lịch sử quý báu. Bên trái ngôi đền, tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm sừng sững giữa trung tâm quần thể di tích, uy nghiêm qua bao mùa mưa nắng. Hai bức phù điêu lớn với những nét điêu khắc tinh xảo của các nghệ nhân dựng lên những thước phim sống động về thăng trầm trong cuộc đời danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tượng đài hướng ra hồ bán nguyệt rộng nghìn mét vuông, hàng liễu xanh ngăn ngắt rủ bên bờ, tựa vào 9 ngọn núi sấm sừng sững. Từ trên đỉnh núi này, phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn khung cảnh làng quê ẩn hiện trong khói lam chiều. Cũng từ đây, những công trình kiến trúc độc đáo, giàu tính giáo dục hiện lên hài hòa, cổ kính. Bên trái tượng đài là chùa Song Mai trầm mặc văng vẳng tiếng chuông chiều; tháp bút Kình Thiên, tương truyền được học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng lên thể hiện niềm tôn kính, ca ngợi tài năng của cụ như trụ cột chống trời; Quán Trung Tân bên bờ sông Hàn, nơi quan Trạng vẫn thường ngồi câu cá và nghĩ suy thế sự…

Trưởng Ban quản lý Di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông Lê Văn Kiều cho biết: lượng du khách đến dâng hương và tham quan di tích ngày càng tăng. Không chỉ tập trung vào những ngày lễ hội, ngày thường cũng có hàng trăm lượt du khách ghé thăm nơi đây. Ngày 11-12 vừa qua, Hội đồng Di sản quốc gia, Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhất trí công nhận quần thể này là Di tích quốc gia đặc biệt. Sự nâng tầm này góp phần bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, đáp ứng nhu cầu của du khách khi về thăm đền Trạng. Đây là niềm phấn khởi của người dân huyện Vĩnh Bảo và cả thành phố, nhất là khi Hải Phòng đang khẩn trương chuẩn bị cho dịp lễ hội đền Trạng Trình sắp tới. Trong dịp này, người dân trong vùng và các nơi kéo về đền thờ tế lễ, dâng hương tưởng niệm ngày mất của Trạng Trình. Bên cạnh phần lễ, phần hội với nhiều trò chơi dân gian đánh vật, kéo co, chọi gà, cờ người… sẽ mang đến một không khí lễ hội dân gian độc đáo, để lại những ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước về một quần thể di tích giàu giá trị văn hóa, giáo dục.

 Theo báo Hải Phòng

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực