Tích cực mở rộng chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp

Thứ bảy, 26/04/2014 17:10

(ĐCSVN) - Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp dưới hình thức “Ký kết hỗ trợ vốn vay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” là sự gắn kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và ngân hàng thương mại. Chương trình đã được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh và thời gian tới sẽ tiếp tục được mở rộng tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng.

 

 Ảnh minh họa. (Ảnh: M.P)


Giảm bớt khó khăn về vốn cho doanh nghiệp

Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp được NHNN đánh giá có ý nghĩa thiết thực và mang lại những kết quả cụ thể đối với cộng đồng doanh nghiệp và hiệu ứng lan tỏa cao trong xã hội. Đối với tỉnh, thành phố, chương trình này sẽ góp phần duy trì và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý để duy trì, phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, giảm bớt những khó khăn về vốn và chi phí lãi vay cho doanh nghiệp, từ đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, đối với ngành Ngân hàng, thông qua Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp góp phần giúp ngân hàng đưa vốn vào sản xuất kinh doanh, vào nền kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng có hiệu quả. Nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các ngân hàng thương mại đối với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện sự sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thông qua Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, thực hiện tốt hoạt động thông tin, tuyên truyền về những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, NHNN đến các doanh nghiệp. Qua đó, ngày càng có nhiều hơn các doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách tháo gỡ khó khăn của NHNN.

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là thành phố đầu tiên triển khai chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp. Từ tháng 7/2012, NHNN chi nhánh TP.HCM đã phối hợp với các quận huyện trên địa bàn triển khai thực hiện chương trình với mô hình kết nối mới theo hình thức ký kết hỗ trợ vốn vay ưu đãi. Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến nay chương trình đã được triển khai tại tất cả 24 quận, huyện của Thành phố. Trong đó có quận đã thực hiện ký kết lần thứ 3 (quận Gò Vấp), nhiều quận thực hiện ký kết lần thứ 2 (quận 7, Tân Bình, quận 8, huyện Hóc Môn).

Đã có gần 14.000 tỷ đồng được ký kết, bao gồm các khoản cho vay mới, dư nợ tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất và nâng hạn mức tín dụng. Có 136 lượt ngân hàng tham gia cho vay và trực tiếp ký với khách hàng, 603 khách hàng được ký kết. Trong đó, số tiền đã giải ngân là gần 12.000 tỷ đồng. Lãi suất được ký kết ở mức dưới 9%/năm đối với cho vay ngắn hạn và từ 9 - 12%/năm đối với cho vay trung, dài hạn. Đặc biệt, trong chương trình, các khách hàng thuộc mọi loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh hoạt động trong nhiều lĩnh vực (không nhất thiết phải thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên) đều được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi tối đa bằng lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên.

Theo đánh giá của NHNN chi nhánh TP.HCM, với việc được vay vốn từ chương trình, các DN đã giảm bớt những khó khăn về vốn và chi phí lãi vay bởi lãi suất cho vay thấp, từ đó góp phần tác động giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của DN.

Mở rộng phạm vi triển khai Chương trình

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cần nhân rộng mô hình này ra nhiều địa phương. Từ hiệu quả ban đầu tại TP.Hồ Chí Minh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… Theo NHNN chỉ đạo, trong quá trình thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, tùy vào nhu cầu cụ thể của từng địa phương, có thể mở rộng thêm các đối tượng là hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình, tiểu thương ở các chợ đầu mối,… Từ đó, các đối tượng tiếp nhận, thụ hưởng lợi ích của chương trình ngày càng phong phú, đa dạng về thành phần kinh tế, ngày càng nhiều về lượng vốn tín dụng được hỗ trợ, giải ngân. Đồng thời, gắn kết Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp với chương trình các ngân hàng tham gia bình ổn giá thông qua việc các ngân hàng cam kết dành gói hỗ trợ với lãi suất phù hợp cho các doanh nghiệp bình ổn giá.

Để thực hiện chương trình NHNN chỉ đạo, trước tiên cần tiếp cận, tìm hiểu, khảo sát, nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và liên quan đến quan hệ tín dụng với ngân hàng; tiến hành nhận diện, phân nhóm các doanh nghiệp có những khó khăn cần tháo gỡ. Sau đó, tiến hành kiểm tra chéo, rà soát nhu cầu vốn thực tế sau khi có thông tin đầy đủ về những khó khăn, về các doanh nghiệp có nhu cầu vốn, thông tin về mức lãi suất từ các ngân hàng thương mại.

Trên cơ sở danh sách doanh nghiệp được TCTD cho vay mới, hoặc điều chỉnh hạn mức tín dụng, hoặc điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay;...tiến hành tổ chức lễ ký kết hỗ trợ vốn vay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các khoản vay được hỗ trợ vốn vay ưu đãi tại lễ ký kết sẽ phải được thực hiện giải ngân theo đúng cam kết, trừ trường hợp khách hàng sử dụng vốn sai mục đích hoặc không còn nhu cầu vay.

Đối với doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và hiệu quả thì chính quyền địa phương cùng với ngân hàng sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với các doanh nghiệp đang tạm thời gặp khó khăn, bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn của ngân hàng về nguồn vốn, lãi suất, tái cơ cấu vốn vay,… cho doanh nghiệp, chính quyền địa phương cần có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ tích cực, tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục phát triển (như bảo lãnh vay vốn; hỗ trợ tìm kiếm thị trường đầu ra; xây dựng và thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị;…).../.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực