Tín dụng vẫn duy trì tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm

Thứ tư, 09/07/2014 21:38

(ĐCSVN) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 6/2014, tín dụng tăng 3,52% so với cuối năm 2013, trong đó có sự đóng góp từ việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao (tín dụng ngoại tệ tăng 12,03%, tín dụng bằng VND tăng 2,17%).

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)


Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực

NHNN cho biết, mặc dù tăng trưởng tín dụng tăng thấp nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tính quy luật tín dụng thường tăng thấp trong những tháng đầu năm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo chưa được xử lý dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh.

Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, việc điều hành chính sách tín dụng của NHNN đã được thực hiện linh hoạt. NHNN đã chấp thuận cho một số tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng vượt so với thông báo của NHNN, thực hiện cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và khả năng quản trị rủi ro; cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các chương trình, chính sách tín dụng đối với lĩnh vực, ngành kinh tế tiếp tục được thực hiện.

Đáng chú ý, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ: Ước đến cuối tháng 6/2014, tín dụng xuất khẩu tăng 10%, công nghiệp hỗ trợ tăng 5,8%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 13%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2% so với cuối năm 2013; đến cuối tháng 5/2014 tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng khoảng 2,56% so với cuối năm 2013.

Thanh khoản bằng đồng Việt Nam (VND) của toàn hệ thống tiếp tục được đảm bảo, có dư thừa, hoạt động của các TCTD ổn định, thị trường tiền tệ vận hành ổn định và thông suốt thể hiện ở: Các TCTD đảm bảo dự trữ bắt buộc theo quy định của NHNN, dự phòng khả năng chi trả tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán cho doanh nghiệp và người dân; tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng VND tiếp tục giảm từ mức 92,5% cuối 2013 xuống 87,4%; thị trường liên ngân hàng thông suốt, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng ổn định ở mức thấp.

NHNN cho biết, trong 6 tháng đầu năm tỷ giá và thị trường ngoại tệ và tỷ giá về cơ bản ổn định nhờ các giải pháp điều hành nhất quán, kết hợp đồng bộ giữa chính sách tỷ giá, lãi suất và các công cụ chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối và công tác truyền thông. Sau điều chỉnh tỷ giá của NHNN, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đã dần ổn định trên mặt bằng giá mới nhưng mặt bằng này vẫn thấp hơn so với mức trần quy định, thanh khoản thị trường vẫn được duy trì như trong những tháng đầu năm.

Nhờ tỷ giá ổn định, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để nâng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục, khoảng 35 tỷ USD. Tình trạng đôla hóa tiếp tục giảm (đến cuối tháng 6/2014, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán khoảng 11,4%, giảm so với mức khoảng 12,4% vào cuối năm 2012 - 2013).

Thị trường vàng trong 6 tháng đầu năm cũng được đánh giá tương đối ổn định. NHNN không phải tổ chức đấu thầu bán vàng miếng, góp phần hạn chế việc sử dụng ngoại tệ của Quỹ Bình ổn tỷ giá và giá vàng để nhập khẩu vàng trên thị trường quốc tế. Diễn biến ổn định của thị trường vàng đã góp phần duy trì sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và ổn định kinh tế vĩ mô.

Vẫn còn nhiều thách thức

Có thể thấy chính sách tiền tệ đã có sự phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, đặc biệt là phối hợp với chính sách tài khóa, chính sách các ngành kinh tế đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Tuy nhiên, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đang phải đối mặt với một số vấn đề, cần được tập trung giải quyết trong những tháng cuối năm.

Thứ nhất, tín dụng cho nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2014 vẫn tăng thấp so với cùng kỳ năm ngoái và thấp so với chỉ tiêu định hướng cả năm 2014. Để lưu thông dòng vốn tín dụng, thời gian tới đòi hỏi cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách vĩ mô để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách, xử lý các vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm...

Thứ hai, trong điều kiện thâm hụt ngân sách được mở rộng lên 5,3% GDP và khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành tăng lên, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực, bởi vậy không thể chủ quan với những diễn biến của lạm phát. Việc tăng cường nắm giữ trái phiếu Chính phủ một mặt giúp các TCTD tăng dự trữ thanh khoản nhưng cũng có thể phát sinh khó khăn nếu các TCTD không chủ động trong việc cân đối vốn theo kỳ hạn hợp lý.

Thứ ba, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về các chương trình, chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực cụ thể, việc chỉ đạo và triển khai quyết liệt của ngành ngân hàng là chưa đủ, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng, ban hành cơ chế, triển khai thực hiện cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi nhưng tăng trưởng chưa vững chắc, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm, đồng USD và giá vàng biến động phức tạp, nhiều ngân hàng trung ương duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng mức độ nới lỏng đang thu hẹp dần.

Tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm

Để đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả và theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ ngành ngân hàng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt trong những tháng tiếp theo đến cuối năm.

Theo đó, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các TCTD và nền kinh tế. Đồng thời thực hiện các giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, thanh khoản của các TCTD để kịp thời tham mưu, chủ động đề xuất các giải pháp nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn thanh khoản của hệ thống các TCTD.

Cùng với đó, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đặc biệt là lạm phát, góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Đặc biệt, điều hành tỷ giá linh hoạt góp phần hỗ trợ xuất khẩu, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; phối hợp chặt chẽ điều hành tỷ giá với điều hành các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ hợp lý, tránh gây áp lực lên tỷ giá và lạm phát, đảm bảo thanh khoản và an toàn hệ thống. Bên cạnh đó, NHNN và các bộ, ngành có liên quan phối hợp tăng cường các biện pháp quản lý ngoại hối, theo dõi, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gây rối, đầu cơ trục lợi, bất chính.

Tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để phấn đấu đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12 - 14%, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đáp ứng vốn cho nền kinh tế.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về quản lý thị trường vàng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường và kịp thời đề xuất các biện pháp can thiệp thị trường khi cần thiết, đảm bảo mục tiêu điều hành chính sách và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, theo dõi sát diễn biến thị trường, vốn khả dụng của các TCTD, kế hoạch phát hành, giải ngân trái phiếu Chính phủ để chủ động, kịp thời trong điều hành chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, NHNN sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các TCTD; phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời những sai phạm và rủi ro gây mất ổn định để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực