Hiệu quả từ cách làm hay của nhân viên công tác xã hội tại Bệnh viện

Thứ ba, 15/12/2015 19:32
(ĐCSVN) - Chắp nối nhu cầu của bệnh nhân nghèo tới các nhà hảo tâm, tư vấn tâm lý và giải tỏa những bức xúc hay mâu thuẫn, chia sẻ buồn đau của bệnh nhân, thực hiện hoạt động xã hội trong bệnh viện... là công việc của nhân viên công tác xã hội tại các bệnh viện.

Ðề án “Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2011 – 2020” đã được Bộ Y tế phê duyệt từ năm 2011. Để cụ thể hóa Đề án này, ngày 26/11/2015, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 43/2015/TT-BYT quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện. Điều này đã giúp các bệnh viện không chỉ có vai trò khám chữa bệnh mà trở thành cầu nối, nơi chia sẻ của bệnh nhân với cộng đồng, chăm sóc, tư vấn cho người bệnh. Tính đến thời điểm này, nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đã thành lập phòng công tác xã hội riêng.

Nhân viên công tác xã hội Bệnh viện Việt Đức giúp đỡ người bệnh đến khám. Ảnh: ĐT

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Bích Mận - Trưởng phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Phòng công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai được thành lập ngày 28/5/2015. Hiện nay, Phòng có một trưởng phòng và 3 tổ gồm: tổ quản lý hành chính và nguồn lực; tổ truyền thông và quan hệ công chúng; tổ trợ giúp và chăm sóc khách hàng. Mặc dù mới ra đời được gần 7 tháng nhưng đến nay phòng công tác xã hội đã thể hiện được vai trò của mình trong việc tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ bệnh nhân, quan hệ công chúng và tổ chức từ thiện như phát cháo tình nguyện, tổ chức đào tạo tập huấn, kết nối mạng lưới tình nguyện viên để giúp đỡ bệnh nhân.

Tính từ ngày thành lập đến nay, tổng số tiền mà Phòng công tác xã hội (CTXH) kêu gọi giúp đỡ bệnh nhân là hơn 1,3 tỷ đồng. Trong đó kêu gọi ủng hộ bằng tiền mặt là 1 tỷ đồng. Ngoài ra, phòng còn hỗ trợ bệnh nhân xin miễn giảm viện phí từ nguồn quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo của bệnh viện được 204 triệu đồng.

Ngoài nhiệm vụ xã hội, phòng công tác xã hội của bệnh viện Bạch Mai còn thường xuyên truyền thông giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân qua kênh y học thường thức trên website, qua hệ thống màn hình LCD, Câu lạc bộ bệnh nhân… Nhân viên của phòng còn đứng ra trực tiếp tư vấn về BHYT cho bệnh nhân, hướng dẫn hoàn tất thủ tục làm việc với cơ quan BHXH để được vận dụng chế độ đồng chi trả.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm áp lực cho cán bộ y tế cũng như hỗ trợ tốt nhất cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến khám, điều trị, vào tháng 4/2014, Bệnh viện đã thành lập Phòng Công tác xã hội.

Ths. Nguyễn Huy Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Phụ sản Trung ương, kiêm Trưởng phòng Phòng Công tác xã hội cho biết: Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Phụ sản Trung ương hiện có 17 cán bộ, viên chức; trong đó có 2 thạc sỹ, 2 cử nhân, 13 điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật viên. Mặc dù mới được thành lập hơn 1 năm, nhưng hiệu quả mà Phòng Công tác xã hội mang lại thực sự có ý nghĩa thiết thực cho bệnh nhân, gia đình bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo trong quá trình khám, chữa bệnh.

Hàng ngày, Phòng công tác xã hội bố trí cán bộ, nhân viên đón tiếp, hướng dẫn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại 8 điểm trong bệnh viện như: Khoa khám bệnh, Khoa khám bệnh theo yêu cầu, Khoa chẩn đoán hình ảnh, các trung tâm xét nghiệm…  với nhiệm vụ chỉ dẫn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, hướng dẫn cho bệnh nhân các quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh tại bệnh viện; đồng thời, giới thiệu, cung cấp thông tin, tư vấn về dịch vụ khám, chữa bệnh của bệnh viện cho người bệnh và người nhà người bệnh hiểu; phối hợp với tổ bảo vệ, đơn vị vệ sỹ, công an, nhân viên các khoa, phòng trong công tác đảm bảo trật tự, an ninh, chống “cò” bệnh viện; giải thích cho bệnh nhân, người nhà người bệnh trong trường hợp người bệnh có chỉ định chuyển viện, ra viện.

Bên cạnh việc tiếp đón, hướng dẫn bệnh nhân, Phòng công tác xã hội còn thực hiện nhiệm vụ đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thông qua việc xây dựng kế hoạch, biên soạn Phiếu đánh giá sự hài lòng của người bệnh; tổ chức lấy Phiếu đánh giá sự hài lòng bệnh nhân hàng ngày tại tất cả 100% các khoa lâm sàng có bệnh nhân nội trú, các khoa khám bệnh. Từ tháng 1/2015 đến tháng 8/2015, Phòng công tác xã hội đã tiếp nhận được gần 6.000 phiếu của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; trong đó có trên 1.500 ý kiến góp ý. Phòng đã phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ và bộ phận Thanh tra Nhân dân trong viện thực hiện việc quản lý Hòm thư góp ý của Bệnh viện, báo cáo lãnh đạo Bệnh viện xử lý kịp thời các trường hợp cần thiết. Định kỳ báo cáo tổng hợp tại giao ban toàn bệnh viện về đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với các dịch vụ, cơ sở vật chất, thái độ nhân viên y tế; phối hợp với nhân viên y tế tại các khoa, phòng để biết rõ thông tin về tình hình sức khỏe người bệnh, chủ động thăm hỏi, đánh giá mức độ cần hỗ trợ về tài chính, chế độ dinh dưỡng, chế độ điều trị chăm sóc; tư vấn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về BHYT, các chương trình, chính sách an sinh xã hội, các địa chỉ hỗ trợ tình thương, trung tâm bảo trợ xã hội.

Đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, Phòng công tác xã hội làm đầu mối, phối hợp tích cực với các phòng khác trong Bệnh viện vận động sự ủng hộ từ các đối tác để giúp đỡ với nhiều hoạt động thiết thực như: hỗ trợ từ 10 - 15 suất ăn/ngày; miễn, giảm viện phí; tổ chức 2 thùng quyên góp tại 2 khoa khám bệnh… Cũng thông qua việc vận động, các đối tác đã tài trợ cho bệnh viện: 1.200 bộ quần áo sản phụ, sơ sinh; thuốc, vật tư, tài chính cho chương trình khám, chữa bệnh tại tỉnh Cao Bằng với số tiền trên 300 triệu; tặng bánh trung thu, sữa dinh dưỡng cho bệnh nhân nghèo những ngày lễ, tết; kết nối những trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách… với các cá nhân, tổ chức để kêu gọi hỗ trợ.

Cùng với đó, Phòng Công tác xã hội cũng đã phối hợp tổ chức các sự kiện, truyền thông và quan hệ công chúng như: Tổ chức Ngày hội tư vấn, chăm sóc sức khỏe; gây quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo; phối hợp tổ chức, câu lạc bộ Dinh dưỡng tháng 1 lần; tư vấn tiền sản 2 buổi/tuần; phối hợp tổ chức chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” nhằm giúp cải thiện tinh thần người bệnh và nhân viên y tế…

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện, ngày 16/4/2015, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã thành lập Phòng Công tác xã hội.

Ths. Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, hiện nay, phòng Công tác xã hội của Bệnh viện có tổng số 14 nhân viên và được chia thành 4 tổ: Tổ hỗ trợ người bệnh, Tổ truyền thông, Tổ trợ giúp xã hội và Bộ phận quản lý nhà truyền thống. Cũng như tại các đơn vị y tế khác, nhân viên phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Ðức có chức năng, nhiệm vụ là “cầu nối” giữa thầy thuốc với người bệnh, người nhà người bệnh; cung cấp các dịch vụ về công tác xã hội; thống nhất quản lý các hoạt động công tác xã hội tại Bệnh viện…

Bên cạnh việc giúp đỡ, hướng dẫn người bệnh của Tổ hỗ trợ người bệnh; Tổ truyền thông là cầu nối thông tin các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thông tin y học, thông tin hoạt động của Bệnh viện cho báo chí, truyền thông… Tổ trợ giúp xã hội không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc và dịch vụ hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: xây dựng quy trình hoạt động từ thiện; kết nối những trường hợp người bệnh gặp khó khăn với các cá nhân, tổ chức từ thiện trong và ngoài nước; cung cấp, tư vấn các thông tin cần thiết về chính sách BHYT, trợ cấp xã hội…

Nhân viên Tổ hỗ trợ người bệnh tại Bệnh viện Việt Đức hướng dẫn cho người bệnh đến khám. Ảnh: ĐT


Sau hơn 7 tháng hoạt động, Tổ trợ giúp xã hội đã kêu gọi hỗ trợ cho 5 người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trích quỹ từ thiện của Bệnh viện hỗ trợ nóng cho 7 người bệnh với số tiền 33 triệu đồng; huy động hỗ trợ 166 triệu đồng tiền mặt cho 112 người bệnh, hỗ trợ 7 nhóm phát thực phẩm như cơm, cháo, suất ăn miễn phí cho người bệnh, từ thứ 2 đến chủ nhật vào 2 buổi/ngày, mỗi buổi từ 150-200 suất.

Ngoài ra, Tổ đã phối hợp với các nhóm từ thiện thường xuyên tổ chức các chương trình trao quà từ thiện… Bộ phận quản lý nhà truyền thống đã xây dựng kế hoạch, thường xuyên thu thập tin tức, tư liệu, hiện vật lịch sử của Bệnh viện, quản lý nhà lưu niệm cố GS. VS. Tôn Thất Tùng, PGS. VS. Tôn Thất Bách.

Ðể giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, người nhà người bệnh đến khám chữa bệnh cũng như giảm áp lực cho cán bộ y tế, hàng ngày từ 6 giờ 30 phút sáng, phòng Công tác xã hội đã bố trí nhân viên trực tại 5 quầy ở khu vực khám bệnh, mỗi quầy luôn có 2 nhân viên sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người bệnh.

Với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Giám đốc Bệnh viện, qua thời gian hoạt động, Phòng công tác xã hội đã nhận được sự phản hồi tích cực của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như các nhân viên y tế ngay tại Bệnh viện. Nhiều bệnh nhân, người nhà người bệnh sau khi ra viện đã gửi thư cảm ơn Bệnh viện cũng như nhân viên công tác xã hội.

Để công tác xã hội trong Bệnh viện ngày một phát triển, Bệnh viện đã thành lập Mạng lưới công tác xã hội tại các Khoa, Phòng, Trung tâm với 116 cán bộ viên chức, nhân viên y tế thực hiện các chức năng cung cấp dịch vụ về công tác xã hội cho người bệnh và nhân viên y tế, làm cầu nối giữa người bệnh, người nhà người bệnh với nhân viên y tế và Bệnh viện. Bên cạnh đó, mỗi một nhân viên y tế trong Bệnh viện cũng có nhiệm vụ như một nhân viên công tác xã hội hàng ngày hướng dẫn, tư vấn, giải thích những thắc mắc của người bệnh, người nhà người bệnh trong quá trình khám và điều trị tại Bệnh viện.

Nói đến nghề công tác xã hội trong bệnh viện thì phải kể đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Đây là bệnh viện đầu tiên có tổ công tác xã hội và vừa được nâng lên thành Phòng công tác xã hội. Sau hơn 7 năm thành lập với 7 cán bộ, đến nay phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Nhi thực sự đạt hiệu quả cao trở thành biểu mẫu cho nhiều bệnh viện khác. Phòng công tác xã hội đã được đi báo cáo cả ở 3 miền bắc – trung - nam về hoạt động của phòng.

Các hoạt động Công tác xã hội ở đây khá bài bản, giúp cho gia đình người bệnh và nhân viên y tế thông cảm, hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác khám và điều trị; hướng dẫn cho gia đình người bệnh hiểu biết về thủ tục giấy tờ, chế độ bảo hiểm và các hoạt động khác... và vận động sự tham gia, ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc giúp đỡ bệnh nhi các suất ăn từ thiện cũng như hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh. Hàng ngày, nhân viên công tác xã hội sẽ lên thăm hỏi, chia sẻ, phát phiếu cơm, cháo miễn phí cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Trợ giúp các y, bác sỹ để giải thích cho người bệnh hiểu và thông cảm với hoàn cảnh hiện tại, hỗ trợ trong điều trị và các chính sách xã hội khác. Vận động cộng đồng giúp đỡ các suất cơm, cháo và kinh phí điều trị cho những BN có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo. Triển khai và duy trì thực hiện các dự án lớn hỗ trợ cho các bệnh nhi. Ngoài ra, nhân viên của phòng còn vận động và đón nhận các phần quà, trang thiết bị y tế của cộng đồng hỗ trợ bệnh viện.

Đặc biệt, các bệnh nhi không bao giờ cảm thấy yếu ớt, lạc lõng nơi bệnh viện trong những ngày lễ tết. Phòng sẽ phối hợp với các đơn vị tài trợ đều đặn tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật vào các dịp Lễ, Tết lớn như: chương trình Trung Thu Hồng, Giáng Sinh Hồng dành cho các bệnh nhi và gia đình bệnh nhi.

Đến nay, phòng công tác xã hội của bệnh viện đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều nhà tài trợ, các đơn vị, cá nhân quan tâm đến các bệnh nhi. Hàng tháng, những khoản hỗ trợ đóng góp bằng tiền mặt, bằng suất ăn cơm, cháo sẽ được phòng cập nhật công khai trên website của bệnh viện. Mô hình này càng khẳng định sự cần thiết của nghề công tác xã hội ở bệnh viện.

Theo ông Trần Quý Tường – Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), công tác xã hội trong bệnh viện có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh và người thân của người bệnh, giữa người bệnh với những người xung quanh, giữa người bệnh với cơ sở y tế. Hiện nay ở một số bệnh viện đã có mô hình công tác xã hội và đội ngũ tình nguyện viên tham gia hỗ trợ bệnh nhân, cán bộ y tế trong phân loại, tư vấn, giới thiệu dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc người bệnh... góp phần đáng kể giảm tải những khó khăn trong quá trình khám, điều trị. Tổ công tác xã hội đã có nhiều hoạt động thiết thực như hướng dẫn người bệnh các thủ tục khám bệnh, đến các khoa phòng cần thiết, xoa dịu nỗi đau bệnh tật của bệnh nhi, lắng nghe ý kiến, tâm tư của người bệnh để phản ánh với bác sỹ và lãnh đạo bệnh viện, trợ giúp đắc lực cho bác sỹ, tạo ra mối thiện cảm, sự gắn kết giữa bệnh nhân – bệnh viện - người nhà bệnh nhân, góp phần làm hài lòng người bệnh.

Ông Trần Quý Tường khẳng định, với sự quá tải ở các bệnh viện, áp lực công việc nặng nề đối với người thầy thuốc, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình khám, chữa bệnh cho nhân dân, nếu có sự tham gia của nhân viên công tác xã hội hoặc cán bộ y tế được trang bị tốt kỹ năng công tác sẽ làm tăng sự hài lòng của người bệnh, khiến họ tuân thủ điều trị và chất lượng khám chữa bệnh sẽ được tăng lên. Có thể nói rằng, nếu công tác xã hội tốt thì góp phần nâng cao y đức của người thầy thuốc.

Chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn của hoạt động công tác xã hội tại Bệnh viện, nhiều ý kiến cho biết, bên cạnh những thuận lợi trong các hoạt động phục vụ người bệnh thì công tác xã hội hiện nay tại Bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn như: Thành viên tổ công tác xã hội chủ yếu là những nhân viên kiêm nhiệm từ các khoa, phòng, nên việc phát triển các hoạt động còn hạn chế; nhân viên Tổ Công tác xã hội chưa được đào tạo bài bản; công tác tổ chức đi thăm hỏi, động viên bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, công tác vận động, gây quỹ tại Bệnh viện còn khó khăn và chưa thể phát động rộng rãi đến cộng đồng, nguồn lực tài chính để hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn còn nhiều hạn chế…/.

 

Đỗ Thoa

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực