Bàn giải pháp “cứu nguy” sông Bắc Hưng Hải

Thứ sáu, 06/09/2019 10:07
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan liên quan cần phải đánh giá lại toàn bộ chức năng của sông Bắc Hưng Hải; có quy hoạch tổng thể cho sông Bắc Hưng Hải để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới tiêu và duy trì dòng chảy tối thiểu trên các sông trong hệ thống, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước...
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (hay còn gọi là sông Bắc Hưng Hải) là một hệ thống kênh, đập, trạm bơm, đê điều nhằm phục vụ việc tưới tiêu và thoát ứng cho các tỉnh, thành Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Hệ thống này được xây dựng bắt đầu từ cuối năm 1958 và là công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc một thời, từng được gọi là Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải.
 
Trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Bắc Hưng Hải đang ngày càng gia tăng, làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan; chiều ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã tổ chức buổi họp với các bộ, ngành liên quan bàn các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông.


Một nhánh sông Bắc Hưng Hải,  nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe người dân.
(Ảnh: Lan Chi/TTXVN).

Bộ trưởng cho biết: Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải rất quan trọng với nhiệm vụ chính là để trữ nước, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương và thành phố Hà Nội. Công trình thủy lợi này hiện đang chịu thêm chức năng thoát nước thải, chất thải nông nghiệp, kể cả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với thời gian và các tác động của biến đổi khí hậu, hệ thống này đã xuống cấp và ô nhiễm nguồn nước sông đang ở mức báo động cần sớm giải quyết để đảm bảo an ninh nguồn nước.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng cũng như các địa phương về những hành động, đề xuất nhằm “cứu sống” sông Bắc Hưng Hải khỏi nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc quản lý, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường đối với hệ thống sông Bắc Hưng Hải hiện nay còn chồng chéo, chưa xác định rõ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giữa ngành tài nguyên môi trường, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và giữa các địa phương.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan liên quan cần phải đánh giá lại toàn bộ chức năng của sông Bắc Hưng Hải so với mục tiêu ban đầu là trữ nước, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và hiện nay là nơi chứa các nguồn xả thải từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, chăn nuôi, làng nghề…; có quy hoạch tổng thể cho sông Bắc Hưng Hải để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới tiêu và duy trì dòng chảy tối thiểu trên các sông trong hệ thống, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước; có các phương án ngăn vùng ô nhiễm, không làm ảnh hưởng môi trường mang tính liên tỉnh trên hệ thống sông.

Trước mắt, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần quy hoạch các điểm tập kết chất thải rắn gần hệ thống sông Bắc Hưng Hải; tổ chức thu gom, xử lý chất thải rắn, chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý đúng quy định.

Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải trên địa bàn và chất lượng các nhánh sông trong khu vực. Bên cạnh việc xử lý hành chính, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị xả thải phải có cam kết lộ trình lắp đặt các hệ thống quan trắc, đổi mới công nghệ xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường. “Lộ trình tối đa là một năm, nếu các đơn vị không đáp ứng được thì các cơ quan chức năng nhà nước có thể đề xuất đóng cửa những đơn vị xả thải.”  Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác thẩm định, cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa ô nhiễm.

Các Sở Tài nguyên và Môi trường cần rà soát, so sánh lại các quy chuẩn môi trường địa phương và quy chuẩn môi trường quốc gia để kịp khoanh vùng ô nhiễm nặng và nâng cao quy chuẩn vùng đó để đáp ứng được các tiêu chí bảo vệ môi trường; đồng thời lập danh mục và cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hệ thống sông Bắc Hưng Hải theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Trước tình trạng ô nhiễm “nặng nề” nguồn nước sông Bắc Hưng Hải như hiện nay, đại diện các Bộ, địa phương cho rằng, việc ngăn chặn, xử lý vi phạm xả nước thải, bảo vệ chất lượng nước của công trình thủy lợi là việc làm khó khăn, phức tạp, lâu dài; đòi hỏi có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và nhân dân; cần phân rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm làm ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi.

Đại diện các bộ và địa phương đều thống nhất cần thành lập một Tiểu ban bảo vệ môi trường và quản lý hệ thống sông Bắc Hưng Hải và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là cơ quan đầu mối báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cho phép thành lập Tiểu ban này. Từ đó, sẽ phân công các đơn vị chức năng xây dựng, đề xuất quy chế về bảo vệ môi trường chung cho các địa phương; có quy hoạch tài nguyên nước hệ thống Bắc Hưng Hải; ban hành hệ thống quy chuẩn thủy lợi chung cho các địa phương, trong đó làm rõ việc cấp phép giữa các Bộ và địa phương liên quan.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng ngân sách để đầu tư hệ thống quan trắc địa phương và liên tỉnh; ban hành danh mục tạm thời chưa đầu tư các dự án xả thải ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; tuyệt đối không quy hoạch các bãi rác dọc hệ thống sông Bắc Hưng Hải; đầu tư ngay trạm bơm ở Xuân Quan để giải quyết nước cho vụ Đông Xuân và Hè Thu. Các cơ quan liên quan nghiên cứu để có cơ chế đặc thù huy động các dự án có năng lực tham gia xử lý nước thải, rác thải đối với làng nghề, khu, cụm công nghiệp, sẽ bổ sung vào trong Luật Bảo vệ môi trường đang sửa đổi./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực