Cần có chính sách quản lý phù hợp bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn ​

Thứ năm, 19/10/2017 17:42
(ĐCSVN) – Ngày 19/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã tổ chức Hội thảo "Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn Lần thứ 7 - Nhìn từ góc độ cộng đồng".
 
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Khương Trung 

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Anh hùng Đa dạng sinh học Asean cho biết, vùng sinh thái dãy Trường Sơn là một trong 7 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam bởi thế mạnh về sự phong phú, độc đáo của tài nguyên đa dạng sinh học và còn là vùng đang có nguồn lao động dồi dào với 30 triệu dân gồm 40 dân tộc anh em, trong đó có khoảng 30 dân tộc bản địa. Do đó, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) trên dãy Trường Sơn cũng chính là bảo vệ phát huy các nền văn hóa đặc sắc của 40 dân tộc anh em trong phát triển bền vững.

GS cũng đề nghị, cần biến lợi ích của cộng đồng trở thành động lực, mục tiêu trong sự nghiệp bảo tồn ĐDSH bằng nhiều cơ chế, chính sách quản lý phù hợp và tích cực.

Theo TS Lê Trần Chấn – Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu của dãy Trường Sơn rất phong phú và đặc sắc. Theo thống kê, có 902 loài đặc hữu Trung Bộ (chủ yếu ở dãy Trường Sơn), chiếm 8,8% tổng số loài của hệ thực vật Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quan trọng này đang đứng trước nguy cơ ngày càng suy giảm. Vì vậy, vấn đề bảo tồn đã trở nên rất cấp thiết. TS Lê Trần Chấn đề xuất cần gắn nhiệm vụ bảo tồn cây quý hiếm với việc nâng cao đời sống tăng thu nhập góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo; làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu và biết giá trị những đối tượng cần bảo tồn, nhận dạng các đối tượng quý hiếm cần bảo tồn để hạn chế việc xâm hại.

TS.Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE cho biết, hội thảo đã tích cực ghi nhận những vấn đề, kiến nghị cần thiết của các chuyên gia, nhà khoa học để góp phần bảo tồn đa dạng sinh học trên dãy Trường Sơn bởi đây là việc làm quan trọng, cần được tiến hành khẩn cấp, đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu đang ra tăng như hiện nay.

Tại hội thảo, các chuyên gia và nhà khoa học đều nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng và kiến nghị cần có nhiều cơ chế chính sách cũng như có những đánh giá nghiên cứu để khai thác phát huy những giá trị tri thức bản địa của cộng đồng trong bảo tồn-sử dụng ĐDSH./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực