Cần ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực học đường

Thứ hai, 23/04/2018 15:50
(ĐCSVN)- Mặc dù đã có rất nhiều giải pháp quyết liệt từ các ngành, các cấp, từ cả phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội, thế nhưng bạo lực học đường vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, nhức nhối hơn bao giờ hết.

Liên tiếp thời gian qua, dư luận hết sức phẫn nộ trước nhiều vụ việc xảy ra với ngành Giáo dục liên quan đến bạo lực học đường. Giờ đây, bạo lực học đường “muôn hình vạn trạng” không chỉ xảy ra giữa học sinh với nhau mà còn giữa giáo viên và học sinh; giữa giáo viên và phụ huynh… đang trở thành nỗi lo lắng, ám ảnh của toàn xã hội.


Sẽ sớm ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học trước năm học mới. Ảnh minh họa: VA

Bạo lực học đường ngày càng phức tạp

Điển hình như vụ học sinh tấn công thầy giáo, vào ngày 2/3/2018, trong giờ học Tiếng Anh, một học sinh nam lớp 8, Trường THCS Tân Thạch (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) vừa chửi bới vừa dùng tay bóp cổ cô giáo khi cô giáo nhắc nhở một nữ sinh khác.

Vụ phụ huynh bạo lực giáo viên, ngày 4/3/2018, phụ huynh bắt cô giáo B.T.T.N Trường Tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An quỳ gối xin lỗi, gây nên bức xúc trong dư luận. Vụ việc bắt nguồn từ nguyên nhân, cô giáo N phạt các em học sinh vi phạm nội quy bằng cách cho quỳ gối trước lớp khiến các em sợ không muốn đi học. Đành rằng, hình thức phạt của cô giáo N với học sinh là không phù hợp, ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Tuy nhiên, các hành xử của phụ huynh theo kiểu “luật rừng” như vậy cũng không thể chập nhận được, cần phải lên án.

Ngày 13/3/2018, tại Trường THCS Tân Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), một thầy giáo chủ nhiệm Đ.M.T bị người nhà một em học sinh đến trường đánh phải nhập viện. Nguyên nhân của sự việc được xác định là do em học sinh có vi phạm nội quy trong lớp học nên thầy T đã nhắc nhở, đồng thời mời phụ huynh của học sinh này lên để làm việc.

Trước đó, ngày 6/3/2018 xảy ra vụ, em N.T.H lớp 7A, Trường THCS xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) bị một bạn nam cùng lớp phi lưỡi dao vào đầu. Nguyên nhân nam sinh này bị một bạn nam cùng lớp trêu chọc, thường xuyên lấy sung hơi bắn vào người. Vì quá giận và muốn trả thù bạn, nam sinh này đã lén mang trộm dao đến lớp với ý định sẽ dọa bạn mình. Trong lúc không kìm chế được bản thân, nam sinh này đã dùng dao phi vào người hay trêu chọc mình, không may dao trúng đúng vào em N.T.H.

Ngày 5/4/2018, dư luận hết sức bất bình việc cô giáo N.T.M.H, Trường tiểu học An Đồng, TP Hải Phòng phạt học sinh bằng cách bắt học sinh súc miêng bằng nước giẻ lau. Trong công văn gửi Sở GD&ĐT TP Hải Phòng, Bộ GD&ĐT chỉ rõ, đây là hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo hết sức nghiêm trọng,  yêu cầu kiểm điểm và có hình thức xử lý nghiêm.

Còn chuyện xuất hiện clip cảnh học sinh đánh nhau trên mạng xã hội thì ngày càng nhiều. Không chỉ là cảnh học sinh nam đánh nhau, đáng sợ hơn cả nữ học sinh cũng nhảy vào đánh đập, hành hạ thân xác, đánh hội đồng một người. Mà nguyên nhân đánh nhau có thể chỉ là mẫu thuẫn xích mích cá nhân nhỏ, như: ganh ghét đố kỵ, hiểu lầm trong sinh hoạt…

Cần có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực học đường

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, trung bình trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở cả trong và ngoài phạm vi nhà trường, tương đương khoảng 5 vụ đánh nhau trong một ngày.

Phải thẳng thắn nhìn nhận, để xảy ra tình trạng bạo lực trong các trường học hiện nay không chỉ trách nhiệm của nhà trường mà vai trò giáo dục trong gia đình rất quan trọng, đặc biệt là sự gương mẫu từ người lớn: Ông, bà, bố, mẹ và cả thầy cô giáo.

Theo một chuyên gia tâm lý (Hà Nội) cho rằng, không ít gia đình chỉ chú trọng đến kết quả học hành của con cái mà xem nhẹ dạy dỗ cách đối nhân xử thế với nhau trong gia đình và ngoài xã hội. Giáo dục con cái không thể chỉ bằng lời nói mà phải bằng những hành động cụ thể. Trẻ em sẽ không tôn trọng người lớn nếu chứng kiến cha mẹ mình thể hiện sự thiếu tôn trọng lẫn nhau. Sự dạy dỗ trong gia đình không tử tế sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bạo lực học đường.

Thêm nữa, chính trong môi trường học đường, có một số các thầy cô cũng không là “tấm gương” để học sinh noi theo. Một khi các thầy cô dạy thêm tràn lan, “bắt ép” học sinh phải đi học thêm nếu không sẽ “dìm” điểm số, rồi “tỉnh bơ” nhận phong bì… thì làm sao mà dạy dỗ được học trò của mình.

Một nguyên nhân sâu xa nữa khiến bạo lực học đường diễn ra ngày càng phức tạp là từ giáo dục trong nhà trường, nội dung chương trình giáo dục đạo đức - công dân có phần còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn và việc ứng xử với những tình huống cụ thể. Phương pháp giảng dạy còn chậm được đổi mới, chưa cuốn hút học sinh.

Do sự thiếu nhận thức, xem thường pháp luật, xuống cấp về lối sống, tha hóa đạo đức một bộ phận người dân; rồi mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động đến tâm lý, tình cảm của học sinh, các em rất dễ bị cuốn theo lối sống thực dụng, đua đòi, thiếu lành mạnh, hành vi bạo lực từ mạng internet, phim ảnh, game online.

Như vậy, để ngăn chặn, đẩy lùi rồi từng bước chấm dứt bạo lực học đường thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội nhằm xây dựng môi trường giáo dục nhà trường, môi trường giáo dục gia đình, môi trường xã hội lành mạnh, không bạo lực; tạo điều kiện cho học sinh được phát triển hài hòa thể chất, trí tuệ và đạo đức trong sáng, lành mạnh.

Được biết, thời gian qua, hệ thống văn bản hướng dẫn của ngành Giáo dục chỉ đạo thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học đã được ban hành kịp thời, góp phần tạo ra hành lang pháp lý cho quá trình triển khai tại cơ sở, nhưng một số ít quy định trong đó vẫn còn chung chung, thiếu điều kiện thực hiện, thiếu chế tài, thiếu kiểm tra giám sát, dẫn tới quá trình thực hiện trong thực tế có lúc, có nơi chưa hiệu quả.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai 3 đề tài khoa học cấp Nhà nước về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, thông qua mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội để giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa và đề xuất mô hình tư vấn tâm lý hiệu quả đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông sẽ được ban hành trước năm học mới 2018-2019 để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học, kèm theo đó là các chế tài đủ mạnh. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trường học hiệu quả trong thời gian tới./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực