Cần xây dựng Luật ngăn ngừa ô nhiễm môi trường nước

Thứ sáu, 02/03/2018 20:51
(ĐCSVN) – Một trong những thách thức lớn nhất là kiểm soát ô nhiễm nước chưa được chú ý đúng tầm quan trọng và cần thiết trong sự nghiệp phát triển kinh tế mà chỉ được đưa vào như một phần nhỏ tích hợp trong công tác bảo vệ môi trường.

Ngày 2/3, tại Hà Nội, Chương trình Liên minh Vận động chính sách Kiểm soát và Ngăn ngừa ô nhiễm nước (Liên minh Nước sạch) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ công bố báo cáo nghiên cứu về ô nhiễm nước và sự cần thiết phải xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam.

Lễ công bố báo cáo nghiên cứu về ô nhiễm nước. Ảnh: Bích Liên

Báo cáo nghiên cứu gồm 4 phần chính: Phần 1 “Ô nhiễm nước: Hiện trạng, các ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế"; Phần 2 “Những bất cập trong hệ thống pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước”; Phần 3 “Kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát ô nhiễm nước”; Phần 4 “Khuyến nghị về ban hành Luật Kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam”.

Theo CECR, ô nhiễm nước và kiểm soát ô nhiễm nước là lĩnh vực hết sức phức tạp. Bất kỳ nội dung nào trong lĩnh vực này cũng liên quan mật thiết tới kinh tế, xã hội và luật pháp. Chính vì vậy mà ô nhiễm nước vẫn tồn tại dai dẳng, gây nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Hệ sinh thái nước mặt cũng bị tổn hại nghiêm trọng.

Từ thực tiễn ô nhiễm nước trong thời gian qua, báo cáo đã phân tích những bất cập thách thức trong kiểm soát ô nhiễm theo hệ thống luật pháp hiện nay. Một trong những thách thức lớn nhất là kiểm soát ô nhiễm nước chưa được chú ý đúng tầm quan trọng và cần thiết trong sự nghiệp phát triển kinh tế mà chỉ được đưa vào như một phần nhỏ tích hợp trong công tác bảo vệ môi trường. Vì vậy công tác kiểm soát các hành vi xả thải, các nguồn ô nhiễm còn mang tính gián tiếp, hình thức. Việc thực thi các hoạt động kiểm soát ô nhiễm nước trong hệ thống luật hiện nay cũng đối mặt với các thách thức như nền tảng công nghệ xử lý nước thải còn yếu và thiếu, các nguồn nước thải bị quản lý bởi nhiều bên khác nhau…

Báo cáo cũng phân tích kinh nghiệm quốc tế, cụ thể kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm nước của các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan để tham khảo.

Với nhận thức ô nhiễm nước ở nước ta đã trở nên rất cấp bách và đòi hỏi có chiến lược tổng thể để cải thiện tình hình, Báo cáo đã đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước vào chương trình xây dựng luật của quốc hội khóa 14, nghiên cứu và xây dựng Luật ngay từ năm 2018 và nghiên cứu xây dựng các chính sách cũng như cải thiện các công cụ về kiểm soát ô nhiễm nước nhằm từng bước đẩy lùi ô nhiễm nước và khôi phục nguồn nước sạch Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, Báo cáo nghiên cứu này là kết quả hơn 4 năm nghiên cứu, phân tích chính sách pháp luật bảo vệ môi trường nước mặt, nghiên cứu xây dựng mô hình tiếp cận hệ sinh thái và thúc đẩy các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm nước của Liên minh Nước sạch do CECR điều phối thực hiện.

Tại lễ công bố, các chuyên gia thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường, đại diện các bộ, ngành, cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học, các Hiệp hội trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam... đánh giá cao báo cáo nghiên cứu khi đề cập đến những vấn đề như: Hiện trạng, các ảnh hưởng ô nhiễm nước tới sức khỏe và kinh tế; những bất cập trong hệ thống pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước; kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát ô nhiễm nước. Đồng thời, báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường về đề xuất xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội Khóa XIV để kiểm soát ô nhiễm nước nhằm từng bước đẩy lùi ô nhiễm nước và khôi phục nguồn nước sạch Việt Nam.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đưa ra một số đề xuất cho việc hoàn thiện và xây dựng các quy định liên quan ô nhiễm nước như: Bổ sung quy định về phân loại các vùng nước để hoạch định công tác kiểm soát ô nhiễm nước; khảo sát ô nhiễm nước; quy định về cách tiếp cận sinh thái và quản lý theo lưu vực; quy định về giấy phép xả thải; về thanh tra, kiểm tra, xử phạt; sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan trong công tác kiểm soát ô nhiễm nước... Từ đó, có chiến lược tổng thể để cải thiện tình trạng ô nhiễm nước, góp phần kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực