"Cây sáng kiến" của Bệnh viện đa khoa Đức Giang

Thứ ba, 27/02/2018 11:31
(ĐCSVN) - Đó là Phùng Văn Toàn, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực Nhi, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Hà Nội. Dù tuổi còn trẻ nhưng với đam mê nghiên cứu Toàn đã có nhiều sáng kiến trong điều trị bệnh, anh được đồng nghiệp đặt cho biệt danh “Cây sáng kiến”.

Vinh dự được trao tặng giải thưởng Đặng Thùy Trâm lần thứ IV năm 2018, với Phùng Văn Toàn đây không chỉ là niềm vui riêng của bản thân, đó là phần thưởng chung cho sự nỗ lực của anh và các đồng nghiệp. Phần thưởng này là nguồn động viên, cổ vũ Toàn và các đồng nghiệp nỗ lực hơn nữa trong nghiên cứu khoa học để có thêm nhiều sáng kiến ứng dụng vào việc khám, chữa bệnh.

Phùng Văn Toàn là một trong 10 gương mặt trẻ được trao giải thưởng Đặng Thùy Trâm năm 2018 - ảnh: HM

Tốt nghiệp trường Đại học Y tế Hải Dương, sau khi ra trường với tấm bằng loại ưu, Toàn về công tác tại Bệnh viện Xanh – Pôn (Hà Nội). Với mong muốn tìm kiếm những mảnh đất mới để thể hiện năng lực của bản thân, năm 2011, Toàn quyết định về khoa Hồi sức tích cực nhi, Bệnh viện đa khoa Đức Giang công tác. Dù công tác ở một bệnh viện mới được xây dựng còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với bác sĩ trẻ Phùng Văn Toàn thì đây là động lực để anh rèn luyện, phấn đấu.

Là bác sĩ trẻ, những ngày mới vào nghề tiếp xúc với nhiều ca bệnh khó, nhìn những em nhỏ phải chịu nỗi đau bệnh tật, khi ấy các thiết bị y tế dù có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh. Chính điều đó khiến Toàn trăn trở với suy nghĩ nghiên cứu cải tiến kỹ thuật trong khám và điều trị bệnh.

Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên giao, Toàn đã không ngừng học hỏi, cùng đồng nghiệp nghiên cứu đề xuất nhiều sáng ứng dụng vào công tác khám, chữa bệnh như: Năm 2011, Toàn cùng các điều dưỡng trong khoa tham gia nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả vỗ rung hô hấp trong điều trị viêm phế quản phổi”; năm 2013, anh cùng các điều dưỡng trong đơn nguyên sơ sinh tham gia sáng kiến cải tiến “Sử dụng nôi mây ủ ấm tự tạo tránh hạ thân nhiệt trong vận chuyển trẻ sơ sinh”. Sáng kiến đoạt giả Ba tại Hội thi Sáng tạo trẻ thành phố Hà Nội.

“Khi mới triển khai đề tài mình gặp rất nhiều khó khăn về chuyên môn cũng như tập huấn cho đồng nghiệp vì cả bệnh viện chưa ai thực hiện kỹ thuật này. May mắn mình nhận được sự hỗ trợ tích cực của chị Trưởng khoa và các đồng nghiệp. Điều đó đã tiếp thêm động lực để mình vượt qua thách thức hoàn thành đề tài”. Toàn chia sẻ.

Năm 2015, Toàn trực tiếp làm chủ sáng kiến cải tiến mang tên “Áp dụng nguyên lý NCPAP sử dụng bình oxy, gọng mũi và đồng hồ kiểm soát áp lực trong vận chuyển bệnh nhi suy hô hấp”.  Toàn cho biết: Với bệnh nhi suy hô hấp, nhất là với các ca bệnh nặng cần hỗ trợ của máy NCPAP thì việc di chuyển nội, ngoại viện rất khó khăn bởi máy NCPAP rất cồng kềnh. Toàn đã học hỏi và nghiên cứu dựa trên nguyên lý hoạt động của máy NCPAP để đưa ra sáng kiến sử dụng bình oxy, gọng mũi và đồng hồ kiểm soát áp lực trong vận chuyển bệnh nhi suy hô hấp, sáng kiến này đã giúp việc vận chuyển bệnh nội viện nhanh gọn, lại rất an toàn, vẫn đảm bảo việc hỗ trợ hô hấp qua máy. 

Đặc biệt, năm 2017, Toàn làm chủ sáng kiến cải tiến mang tên “Cải tiến kỹ thuật lấy máu bằng phương pháp sử dụng Heplock trên bệnh nhi đặt catheter động mạch” và đã đoạt giải Ba tại Hội thao liên viện khu vực Hà Nội lần thứ XXVII. Đây cũng là sáng kiến mà Toàn tâm đắc nhất.

Dù có sự chuẩn bị rất kỹ nhưng cũng phải mất hơn một năm Toàn mới hoàn thiện được sáng kiến. Sáng kiến đã mang lại những hiệu quả rất tích cực về mặt kinh tế, xã hội. Theo Toàn, trong điều trị bệnh chỉ một chút khí vào động mạch sẽ rất nguy hiểm. Với những y, bác sĩ mới vào nghề rất dễ mắc sai sót này. Tuy nhiên, khi lấy máu bằng phương pháp sử dụng Heplock thao tác nhanh và dễ dàng hơn rất nhiều. Chi phí cho phương pháp này cũng rất rẻ.

Cả bốn sáng kiến vào các năm 2011, 2013, 2015 và 2017 đều được các thầy đánh giá cao, được chọn tham dự hội thao Liên viện và đoạt các giải ba và khuyến khích cấp thành phố Hà Nội. Những sáng kiến của Toàn không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhi mà còn góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong toàn bệnh viện. Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học để cho ra nhiều sáng kiến ứng dụng vào công tác khám, chữa bệnh, Toàn được bạn bè đồng nghiệp đặt cho biệt danh “Cây sáng kiến”.

Đã có gần 10 năm gắn bó với nghề nhưng chưa bao giờ Toàn quên những khó khăn của những ngày đầu, những giây phút lặng người vì không cứu được một bệnh nhi. Kỉ niệm buồn đó khiến anh càng nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức để làm tốt hơn công việc của người thầy thuốc.

Bản thân luôn tâm đắc và nhớ lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”, muốn hiện thực hóa lời dạy của Người, Toàn cho biết bản thân mỗi người thầy thuốc phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong, lối sống, cách cư xử với bệnh nhân.

Hiện, anh đang tiếp tục học tập tại trường Đại học Y Hà Nội, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Với tư cách là Đội trưởng Đội thanh niên xung kích Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Toàn đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, khám sức khỏe tình nguyện cho các đối tượng chính sách trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) nhân ngày Thương binh liệt sỹ (27/7); khám bệnh, phát thuốc miễn phí tới người dân nghèo tại vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Nghệ An…

Những chuyến khám, chữa bệnh tình nguyện đến Thanh Chương, Nghệ An hay Lạng Sơn… đã cho Toàn và đội ngũ những bác sĩ trẻ cơ hội trải nghiệm thực tế, học cách tiếp xúc với nhiều đối tượng bệnh nhân. Mỗi chuyến đi Toàn lại được giao lưu, học hỏi chuyên môn với các anh chị tuyến trên để áp dụng vào công việc hàng ngày tại bệnh viện.

“Càng gắn bó với nghề mình càng dành nhiều tình cảm cho các bệnh nhi. Đó là động lực khiến mình không bao giờ thấy mệt mỏi trên con đường học hỏi kiến thức, trau dồi y đức và thực hiện sáng kiến vì người bệnh” – Toàn tâm sự.

Với những thành tích đạt được, Toàn đã được nhận Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội, giấy khen “Điển hình tiến tiến người tốt việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước” và nhiều bằng khen của Quận đoàn Long Biên… Đặc biệt, anh là một trong 10 thầy thuốc trẻ Thủ đô được trao tặng giải thưởng Đặng Thùy Trâm năm 2018./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực