Chú trọng vai trò dinh dưỡng trong điều trị bệnh

Thứ năm, 14/11/2019 10:55
(ĐCSVN) - Hiện nay, vẫn còn không ít bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chỉ quan tâm đến thuốc chữa bệnh mà không chú trọng đến vai trò của dinh dưỡng trong điều trị bệnh, dẫn đến việc điều trị tốn kém, kéo dài thời gian điều trị; thậm chí làm cho hiệu quả điều trị bệnh không cao.

Hiện nay, vấn đề nâng cao chất lượng chăm sóc toàn diện cho người bệnh đang rất được quan tâm, “Thức ăn là thuốc, thuốc là thức ăn”, dinh dưỡng điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện chiếm vai trò quan trọng trong điều trị toàn diện cho bệnh nhân, chế độ dinh dưỡng trong điều trị bệnh, ngoài ra dinh dưỡng điều trị có tác dụng giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, tăng sức đề kháng cho bệnh nhân, giảm chi phí điều trị.

Ngày 18/11/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định số 6858/QĐ-BYT ban hành Bộ tiêu chí bao gồm 83 tiêu chí chính thức, trong đó có 5 tiêu chí về dinh dưỡng gồm: Hệ thống tổ chức thực hiện công tác dinh dưỡng và tiết chế được thiết lập đầy đủ, Đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện công tác dinh dưỡng và tiết chế, Người bệnh được đánh giá theo dõi tình trạng dinh dưỡng trong thời gian nằm viện, Người bệnh được hướng dẫn tư vấn chế độ ăn phù hợp với bệnh lý, Người bệnh được cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh lý.

Thực tế cho thấy có một số bệnh nhân khi bị bệnh đái tháo đường rất sợ ăn, kiêng khem nhiều và không dám ăn nhiều loại thực phẩm, lâu dài sẽ làm cho cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.

Hoặc do thiếu kiến thức về giá trị dinh dưỡng của từng loại thực phẩm, ăn ít cơm nhưng lại ăn nhiều miến, hoặc ăn quá nhiều khoai củ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả điều trị bệnh, dẫn đến các biến chứng…

Chế biến suất ăn tại Khoa Dinh dưỡng, Viện Bỏng quốc gia. Ảnh: X. Dũng.

Theo Thiếu tá Vũ Trí Quang, Chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Bỏng quốc gia, thực tế và các nghiên cứu cho thấy chế độ dinh dưỡng can thiệp vào quá trình điều trị là rất quan trọng và cần thiết. Với bệnh nhân bỏng còn có đặc thù hơn. Bệnh nhân bỏng thường bị bỏng ngoài da và thường là bệnh nhân bị sốc nên việc tiêu hao năng lượng của bệnh nhân bỏng cao hơn so với người bình thường và cao hơn so với bệnh khác (với bệnh nhân bình thường thì ngày cần khoảng 2.000 calo nhưng với bệnh nhân bỏng cần tới 3.000 calo thậm chí có bệnh nhân cần tới 4.000 calo). Chính vì vậy, việc thực hiện công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện trở nên ngày càng bức thiết.

PGS. TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho rằng, mặc dù các văn bản bản quy phạm pháp luật về dinh dưỡng trong bệnh viện và 5 tiêu chí về dinh dưỡng trong Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện đã có từ lâu, nhưng vấn đề dinh dưỡng lâm sàng trong bệnh viện một số nơi còn thiếu và yếu, điều đó  chưa được sự quan tâm của lãnh đạo ngành y tế các địa phương. Với tầm quan trọng của dinh dưỡng trong điều trị bệnh, trong thời gian tới các khoa dinh dưỡng của bệnh viện trung ương và địa phương cần phát triển mạnh hơn, trong đó có vai trò của nguồn nhân lực là bác sỹ dinh dưỡng, cử nhân dinh dưỡng tiết chế./.

Phương Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực