Cô giáo huyện nghèo có nhiều sáng kiến

Chủ nhật, 18/02/2018 23:35
(ĐCSVN) - Công tác tại một trong những huyện nghèo nhất cả nước, cô Nông Thị Loan, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều sáng kiến nâng cao hiệu quả mô hình trường bán trú và quy hoạch mạng lưới trường lớp học, góp phần đưa hàng nghìn học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn đến trường.

Cô Nông Thị Loan, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: VA

 

Năm 1991, cô Nông Thị Loan tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Việt Bắc và công tác tại Trường cấp 2- 3 huyện Bảo Lạc. Trải qua nhiều cương vị công tác: Bí thư Đoàn trường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bảo Lạc, cô Loan luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2011, cô giáo Loan được bổ nhiệm làm Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc.

Huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng là một trong số 62 huyện nghèo nhất cả nước với tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 60%, giao thông đi lại khó khăn. Năm 2011, ngay sau khi nhậm chức, cô Nông Thị Loan nhận thấy rằng, ở địa phương với đặc điểm dân cư không tập trung dẫn đến quy mô mạng lưới trường lớp phân tán nhỏ lẻ. Qua rà soát, thống kê, tại đa số các điểm trường lẻ, tổng số học sinh chỉ từ 17 đến 22 em nhưng phải chia thành 2 đến 3 lớp, trong đó có lớp ghép và phải cần 2 đến 3 giáo viên, như vậy tỉ lệ học sinh trên lớp chỉ từ 7-8 em; trong khi đó tại các trường xã, điểm trường trung tâm của cấp tiểu học, số học sinh trên lớp trung bình từ 10 – 15 em.

Cô đã đưa ra chủ trương cho chuyển điểm trường, dồn lớp học. Như năm học 2013-2014 tại trường tiểu học Nà Rại, xã Cốc Pàng đã chuyển học sinh từ điểm trường Khuổi Xá, Khuổi Khau về điểm trường Cốc Pàng để tổ chức bán trú và học 2 buổi/ngày, từ đó giảm 3 lớp ở điểm trường lẻ, dư ra 3 biên chế giáo viên và số lớp tại điểm trường Cốc Pàng (có học sinh dồn về) vẫn giữ nguyên 5 lớp. Trường tiểu học Hồng Trị đã chuyển học sinh lớp 4, lớp 5 từ điểm trường Khau Pàu (chủ yếu là dân tộc Mông) về trường xã để học bán trú và dư 1 giáo viên...

Ngoài ra, cô còn tư vấn với địa phương huy động xã hội hóa giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy học được tốt hơn. Chẳng hạn, để tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày và nghỉ trưa tại các điểm trường bán trú tiểu học, với điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn như chưa có nhà bếp, nhà ăn, ký túc xá học sinh, chưa có dụng cụ nấu ăn, cô Nông Thị Loan quyết định trích một phần kinh phí chi thường xuyên cho các trường tăng cường cơ sở vật chất (sau khi xin ý kiến của Chủ tịch UBND huyện và được sự đồng thuận của tập thể). Các điểm trường được đầu tư mua bàn ghế bán trú 2 mặt thay thế bàn ghế cũ để học sinh vừa có thể học vừa có thể nghỉ trưa tại trường. Số bàn ghế cũ ở điểm chính và các điểm lẻ đã giảm học sinh, sẽ chuyển đến các điểm trường khác còn thiếu; dựng nhà bếp, nhà ăn, dựng thêm phòng học để đáp ứng yêu cầu học bán trú; cấp kinh phí cho các trường mua tấm lợp, xi măng để dựng nhà bếp, nhà ăn cho học sinh bán trú, mua chăn ấm cho học sinh trong mùa đông; trang bị dụng cụ nấu ăn, bàn ghế ăn cho các trường tổ chức bán trú. Đồng thời, cô cũng chỉ đạo các trường sửa chữa bàn ghế cũ hỏng, không ngồi học được thành bàn ghế ăn cho học sinh. Hỗ trợ kinh phí để xây bể, mua thùng đựng nước, ống dẫn nước… để đảm bảo các trường có đủ nguồn nước sạch nấu ăn và sinh hoạt.

Sau 5 năm tích cực thực hiện các giải pháp dồn, ghép lớp để tổ chức các điểm trường bán trú tiểu học (từ năm 2013 đến năm 2017), huyện đã giảm được 50 điểm trường lẻ, giảm 72 lớp ghép, dư 140 biên chế giáo viên tiểu học để bố trí cho các trường, điểm trường còn thiếu, sử dụng hiệu quả biên chế được giao; dư thừa phòng học chuyển giao thành lớp học mầm non, nhà công vụ, nhà văn hóa xóm, giúp cho ngân sách Nhà nước tiết kiệm khoảng 50 tỷ đồng.

Điều đáng ghi nhận là sau khi thực hiện quy hoạch, đội ngũ giáo viên và số lượng học sinh ở các điểm trường đông hơn, phong trào thi đua dạy và học có khí thế hơn so với các điểm trường lẻ, có điều kiện tốt và tạo động lực để nâng cao chất lượng giáo dục.

Thực hiện dồn ghép học sinh về các điểm trường thuận lợi, các em được hưởng chế độ ăn bán trú tại trường, được ăn uống và nghỉ trưa điều độ, đảm bảo sức khoẻ, nên chất lượng học tập buổi chiều tốt hơn; học sinh đi học đều hơn, tỉ lệ chuyên cần đạt cao hơn. Từ đó, chất lượng giáo dục tiểu học tăng lên, tỉ lệ học sinh tham gia thi đoạt giải các cấp ngày càng tăng, nhiều trường từ khi tổ chức bán trú và tăng cường dạy học 2 buổi/ngày bắt đầu có học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

“Trước kia chưa có bán trú, học sinh cấp 2 ở xa đến trường phải dựng túp lều quanh trường để ở, nhà có ngô, gạo, măng, bí đem đi để tự nấu ăn, em nào không có thì ăn cơm chấm muối. Từ khi có chính sách của Nhà nước đối với học sinh vùng khó khăn, tôi đã quyết tâm chuyển đổi thành điểm trường bán trú để tạo điều kiện tốt nhất cho các em ăn học. Bây giờ đến trường mỗi ngày các em được ăn 3 bữa, có người tổ chức nấu nướng, phục vụ. Được ăn - học bán trú, sức khỏe của học sinh và chất lượng giáo dục được nâng lên rất nhiều”- cô Nông Thị Loan chia sẻ.

Về dự định sắp tới, cô Nông Thị Loan cho biết sẽ cố gắng cùng với ngành Giáo dục tỉnh Cao Bằng xây dựng đội ngũ giáo viên có chuyên môn giỏi, tận tâm với học trò và đưa công nghệ hiện đại vào giảng dạy./.

 

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực