Cô giáo với tấm lòng giúp trẻ mắc hội chứng down

Thứ ba, 20/11/2018 17:01
(ĐCSVN) - Thương cảm với những người bị bệnh down, cô giáo Dương Thị Thu Hà (trường THPT Lê Lợi, TP Hà Nội) đã cùng với học trò tạo ra thiết bị giúp cho trẻ mắc hội chứng down học đọc, học kỹ năng sống.

Trong một lần vào thăm Làng trẻ Hòa Bình, cô giáo Dương Thị Thu Hà bắt gặp hình ảnh người bị bệnh down gần 40 tuổi vẫn ngồi tô chữ như những đứa trẻ mới bắt đầu làm quen mặt chữ. Chính hình ảnh đáng thương ấy đã thôi thúc cô cùng học trò cùng trường là Bùi Khánh Vy và Bùi Minh Ngọc (trường THPT Lê Quý Đôn) bắt tay tạo ra thiết bị hỗ trợ học đọc cho trẻ mắc hội chứng down.

Thiết bị có tên tiếng Anh là PSE (picture - sound – expressive) tích hợp cả hình ảnh - âm thanh - cảm biến giúp cho trẻ mắc hội chứng down học đọc thông qua các chủ đề của kĩ năng sống. “PSE gồm có tivi hoặc máy chiếu kết nối với máy tính cài phần mềm PSE, thiết bị cảm ứng không dây với 4 chip cảm biến gắn với tấm thảm có bề mặt là những viên sỏi. Những viên sỏi đầy màu sắc này được thiết kế dựa trên chiều dài xương chân kích thích trẻ vận động. Khi trẻ di chuyển, sỏi sẽ tác động vào các huyệt đạo ở lòng bàn chân, giúp các em được mát xa, sảng khoái, tăng tuần hoàn máu; từ đó, tác động đến não bộ, khả năng nhận thức cũng như cải thiện giấc ngủ của trẻ", cô Hà giải thích.


Thiết bị PSE giúp trẻ mắc hội chứng down học đọc thông qua các các chủ đề của kĩ năng sống của ba cô trò
- Ảnh: Minh Châu

Với hai cô học sinh lớp 11 Khánh Vy và Minh Ngọc, để có được thiết bị chạy êm như hôm nay, ba cô trò đã phải mất nhiều thời gian đọc, nghiên cứu để hiểu về người bị bệnh down. PSE vì thế cũng phải thay đổi, sửa chữa rất nhiều lần để có thể tích hợp nhiều nhất kỹ năng sống cho người dùng. Và một trở ngại không nhỏ là phải gắn được thật chắc những viên sỏi vào tấm thảm. Vy và Ngọc đã phải thử qua nhiều loại keo mới gắn được ưng ý.

Khi vận hành, PSE thực hiện việc hướng dẫn trẻ đọc và nhận diện chữ cái. Trên màn hình tivi sẽ xuất hiện mũi tên theo bốn hướng tương ứng với bốn chữ cái. Khi đó, trẻ di chuyển theo chữ cái tương ứng trên tấm thảm. Nếu trẻ nhảy đúng, thiết bị phát ra tiếng khen ngợi, tặng thưởng để động viên trẻ tiếp tục cố gắng, nếu sai thì phát lời hướng dẫn, khuyến khích để trẻ nhảy lại.

Đặc biệt, thiết bị được thiết kế gồm 15 chữ cái gắn liền với 15 kỹ năng sống. Chẳng hạn ngoài nhận biết được chữ “G”, trẻ sẽ biết thêm cả kỹ năng gấp quần, gấp áo, gấp chăn…

Hiện PSE đã được thử nghiệm ở 20 trẻ mắc hội chứng down, cho kết quả rất tốt, được các em hào hứng đón nhận. Từ hơn 80% trẻ chưa biết chữ cái, sau khi trải nghiệm với thiết bị, đã có 95% trẻ thuộc chữ cái; 80% cải thiện về sức khỏe, biết vận dụng một số kỹ năng cơ bản và trở nên nhanh nhẹn, khéo léo, hòa đồng hơn.

“Cứ sau mỗi lần thử nghiệm, ba cô trò lại tập trung vào những điểm mà trẻ chưa thích để cải tiến, làm sao để lần thử nghiệm sau trẻ sẽ có thái độ khác, tham gia tương tác ngay”, cô Hà nói.

PSE chính là một trong bốn công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất của chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018. Chương trình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các đơn vị triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020 nhằm cổ vũ, khuyến khích đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là các trí thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo thông qua các công trình, sáng kiến thuộc 3 nội dung: Đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; Sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Được nhận giải thưởng cao nhất trị giá 100 triệu đồng nhưng với ba cô trò phần thưởng ý nghĩa nhất, đó là PSE được trẻ mắc hội chứng down đón nhận, giúp những đứa trẻ kém may mắn có được niềm vui, biết đọc và biết thêm những kỹ năng sống.


Cô Dương Thị Thu Hà nhận giải thưởng công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất của chương trình
“Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018 cho thiết bị PSE  - Ảnh: Minh Châu

Đánh giá về thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng down học đọc thông qua các các chủ đề của kĩ năng sống, đồng chíNguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đây là công trình mang đậm tính nhân văn, hướng tới đối tượng trẻ kém may mắn, gặp phải nhiều hạn chế trong quá trình hòa nhập với cộng đồng.

Là giáo viên sinh học, việc theo đuổi, hoàn thiện PSE cũng như động viên hai học trò cùng đồng hành gặp không ít khó khăn. “Có những ngày cả cô, cả trò làm việc miệt mài, liên tục suốt 7-8 tiếng đồng hồ. Có những chi tiết phải làm đi làm lại cả chục lần nhưng mục tiêu trước mắt là hoàn thiện PSE để không chỉ trẻ mắc hội chứng down tiếp cận mà còn hướng đến trẻ tự kỷ, tăng động”, cô Hà chia sẻ./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực