Công bố dự thảo 20 môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Thứ sáu, 19/01/2018 20:52
(ĐCSVN) - Căn cứ Chương trình tổng thể đã được thông qua hồi tháng 7/2017, Ban Phát triển các chương trình môn học đã xây dựng dự thảo chương trình môn học ở các cấp học với 20 môn.
Chiều 19/1, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Họp báo thông tin về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ được bắt đầu triển khai trên cả nước từ năm học 2019-2020 với lớp 1 của bậc tiểu học, từ năm học 2020-2021 với lớp 6 của bậc trung học cơ sở và từ năm học 2021-2022 với lớp 10 của bậc trung học phổ thông.

Cụ thể, ở chương trình giáo dục phổ thông mới, thay vì các môn học như hiện hành, các môn học mới sẽ xuất hiện và được phân chia thành 2 loại: Môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn.

Ở cấp Tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.

Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).

Ở cấp Trung học cơ sở, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.

Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Ở cấp Trung học phổ thông, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Các môn học được lựa chọn: theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Đặc biệt, hoạt động giáo dục bắt buộc xuyên suốt tất cả 3 cấp học là Hoạt động trải nghiệm.

Dự thảo sẽ được lấy ý kiến rộng rãi công luận trong 2 tháng, sau đó Ban soạn thảo bổ sung, hoàn thiện trước khi công bố chính thức.

 

Họp báo công bố chương trình môn học. Ảnh: VA

Tại buổi Họp báo, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết: Xuất phát từ mục tiêu phát triển năng lực của người học, các chương trình đều xác định năng lực đặc thù mà môn học có nhiệm vụ hình thành, phát triển cho học sinh; cấu trúc của năng lực đặc thù nói trên; nội dung giáo dục và phương pháp giáo dục; những mức độ cần đạt được về năng lực sau mỗi nội dung, mỗi giai đoạn giáo dục.

Đề cập đến việc giảm tải trong chương trình mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, có nhiều cách giảm tải như: Giảm bớt kiến thức khó, tổ chức lại nội dung, tích hợp, thay đổi phương pháp dạy học…

GS Nguyễn Minh Thuyết lấy ví dụ về tổ chức lại nội dung, điển hình như môn Lịch sử. Chương trình Lịch sử của cả ba cấp khác với chương trình trước đây ở chỗ hầu như không thiết kế đồng tâm từ thấp lên cao. Trong đó, tiểu học chủ yếu dạy lịch sử thông qua các câu chuyện lịch sử; THCS dạy thông sử; THPT có hệ thống các chủ đề và chuyên đề về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam.

Một cách tổ chức lại nội dung nữa là tích hợp. Ví dụ, thay vì học 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, nay có môn học mới là Khoa học tự nhiên. Chương trình môn Khoa học tự nhiên được xây dựng dựa trên sự kết hợp của 3 trục cơ bản là: Chủ đề khoa học – Các nguyên lý/khái niệm chung của khoa học – Hình thành và phát triển năng lực. Trong đó, các nguyên lý/khái niệm chung sẽ là vấn đề xuyên suốt, gắn kết các chủ đề khoa học của chương trình.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho hay, thay đổi phương pháp dạy học cũng là giảm tải chương trình./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực