Đakrông nỗ lực xây dựng xã hội học tập

Thứ bảy, 08/12/2018 09:49
(ĐCSVN) - Bên cạnh việc duy trì ngôn ngữ của đồng bào dân tộc, ngành Giáo dục và đào tạo huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) cũng tăng cường vốn tiếng Việt cho trẻ, đặc biệt là trẻ 5 tuổi thông qua dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai; tổ chức các hoạt động giao tiếp bằng tiếng Việt cho trẻ…

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Bí thư về đổi mới căn bản, toàn diện, giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Đakrông chuyển biến mạnh mẽ; tạo đồng thuận xã hội; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiểu sâu, nắm vững quan điểm, chủ trương, qua đó vận dụng hiệu quả vào quản lý cũng như giảng dạy.

Vượt khó cho sự nghiệp "trồng người"

Đồng chí Ly Kiều Vân - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đakrông cho biết, giai đoạn 2013-2018, sau khi sáp nhập 03 Trung tâm (kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp, giáo dục thường xuyên và dạy nghề tổng hợp) thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, UBND huyện tiến hành kiện toàn nhân sự Ban Giám đốc đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đối tượng, không gây xáo trộn. Đồng thời huyện đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 76 cán bộ quản lý trường học, và hiện đang có 93 cán bộ (41 cấp mầm non, 30 cấp tiểu học và 22 cấp trung học cơ sở).

Nhờ quản lý, giám sát chặt chẽ mà những năm qua, trên địa bàn huyện miền núi vùng cao biên giới phía tây nam của tỉnh Quảng Trị không có tình trạng lạm thu và tổ chức dạy thêm trái phép.

Học sinh huyện Đakrông vượt khó học tập (Ảnh: dakrong.quangtri.gov.vn)

Thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho thấy, chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở Đakrông từng bước được nâng lên. Nếu như năm 2013, địa phương có 13/14 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 14/14 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và xóa mù chữ, thì tới cuối năm 2017, 100% xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Phòng học được kiên cố hóa và thay thế dần các phòng học xuống cấp, từng bước xóa phòng học tạm, mượn (xóa 21 phòng học tạm, mượn), phòng học bộ môn, nhà hiệu bộ, nhà ở giáo viên từng bước được bổ sung. Hiện đã khởi công và trong quá trình hoàn thiện 99 phòng học, 06 phòng học bộ môn, 02 nhà hiệu bộ, sau khi hoàn thiện sẽ xóa được 11 phòng học tạm, mượn và thay thế 16 phòng xuống cấp.

Từ nguồn trái phiếu Chính phủ, đến nay, Đakrông đang được đầu tư trên 50 phòng học cho cấp học mầm non và tiểu học.

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm, nhiều đơn vị đã trang bị màn hình TV tại các phòng học phục vụ công tác giảng dạy, 100% đơn vị trang cấp phần mềm thiết kế bài giảng E-learning cho công tác soạn, giảng bài.

Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, là địa bàn sinh sống của 3 dân tộc anh em (Pa cô, Bru Vân Kiều và Kinh), trong đó đồng bào thiểu số chiếm trên 80%, địa hình đồi núi nên điều kiện sản xuất và đời sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục đại trà các cấp học được duy trì ổn định, ngày càng đi vào thực chất. Đến cuối năm học 2017-2018, cấp tiểu học có 4.822/5.009 học sinh hoàn thành chương trình lớp học (tỷ lệ 96,27%), cấp trung học cơ sở: tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi là 31,11% (giỏi 4,6%), xếp loại hạnh kiểm khá, tốt là 86,62% (tốt 54,95%). Trong các năm qua, số lượng học sinh tham gia và đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp tăng cả về lượng và chất.

Giai đoạn 2014-2018, đã thành lập 04 trường mầm mon trên cơ sở chuyển đổi từ trường mẫu giáo, giúp nâng tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đến trường, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng các thể giảm hàng năm.


Một tiết chào cờ đầu tuần tại Trường Trung học Cơ sở Ba Lòng, huyện Đakrông (Ảnh: pgddakrong.quangtri.edu.vn) 

Huyện ủy tích cực chỉ đạo UBND huyện xây dựng thành công Đề án quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo huyện giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030. Hội đồng nhân dân huyện ban hành Nghị quyết 37/2016/NQ-HĐND về phát triển giáo dục và đào tạo huyện giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030.

Công tác đào tạo nghề và hướng nghiệp được chú trọng, hàng năm có trên 300 lao động nông thôn được đào tạo nghề, 550 học sinh được học nghề phổ thông và 600 em được tổ chức hướng nghiệp.

Lãnh đạo huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, thực hiện kế hoạch, chương trình, nội dung và chất lượng đào tạo.

Tính tới 31/5/2018, toàn huyện có 1.100 cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động trong lĩnh vực giáo dục. Công tác điều động, bổ nhiệm trong các năm thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định, cùng với đó là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị tiến hành thường xuyên, thống nhất.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã kịp thời chỉ đạo UBND huyện ban hành Kế hoạch đào tạo tiếng Việt cho cán bộ, công chức huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào). Chỉ đạo các đơn vị trường học tạo điều kiện cho học sinh các xã, thị trấn thuộc Chương trình vùng Đakrông được giao lưu với giáo viên, học sinh của thành phố công nghệ Daejeon (Hàn Quốc) thông qua chương trình Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam.

Qua thực hiện Nghị quyết 29, quy mô mạng lưới trường lớp được quy hoạch, sắp xếp hợp lý, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, môi trường giáo dục ngày càng an toàn và thân thiện, cùng với đó là công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm.

"Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, xem đây là nhiệm vụ của tỉnh; quy định việc phân cấp, phân quyền trong quản lý giáo dục không thống nhất giữa Thông tư liên tịch 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 29/5/2015 và hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ nên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện còn bị động, gặp nhiều khó khăn trong quản lý nhân sự và tài chính", đồng chí Ly Kiều Vân trăn trở.

Thiết bị dạy học hầu hết được đầu tư từ năm 2002 đã lỗi thời; số lượng cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên còn thiếu nhất là cấp tiểu học và mầm non. Hầu hết các trường mầm non thực hiện lớp ghép nhiều độ tuổi, không có hoặc thiếu nhân viên cấp dưỡng, ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là tổ chức bán trú.

Nỗ lực xây dựng xã hội học tập

Mặc dù hàng năm ngân sách huyện quan tâm đầu tư, song do phân bố dân cư không đều, giao thông đi lại cách trở, thiên tai bão lũ thường xuyên xảy ra, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện Nghị quyết 29. Cùng với đó, công tác huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục còn khá hạn chế.

Chính sách thu hút nhân tài vào ngành giáo dục chưa đủ hấp dẫn; chế độ lương cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên chưa tương xứng nên không thể nói là họ yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý với sự nghiệp trồng người.

Thời gian tới, Đakrông tiếp tục tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết, kết hợp với Chương trình hành động 73/CTr-HU của Huyện ủy (khóa IV) nhằm tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, giáo viên.

Theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy, công tác thông tin, huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội đối với việc đổi mới, phát triển giáo dục cần được đẩy mạnh; đồng thời quan tâm giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, ý thức công dân, kết hợp hài hòa giữa dạy chữ, dạy người và dạy nghề.

Cùng với phát huy vai trò của các Trung tâm học tập cộng đồng ở xã/thị trấn, góp phần tích cực xây dựng xã hội học tập, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn. 

Ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ, từng bước đáp ứng nhu cầu dạy học 02 buổi/ngày ở cấp mầm non và tiểu học; tranh thủ nguồn lực từ dự án, công tác xã hội hóa giáo dục đảm bảo bậc học phổ thông mỗi trường có ít nhất 01 phòng máy, 01 phòng học tiếng Anh phục vụ giảng dạy môn Tin học và triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2018-2020”../.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực