Đảm bảo an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Thứ tư, 15/08/2018 22:32
(ĐCSVN) - Việt Nam là quốc gia thiếu nước, nên sẽ luôn coi trọng việc đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ phát triển bền vững; tích cực trong các hoạt động quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; đặc biệt đối với các lưu vực sông trong đó có sông Đồng Nai.
 

Ảnh minh họa: Bích Liên

Trong bối cảnh đó, đề tài “Nghiên cứu đánh giá an ninh nguồn nước phục vụ xây dựng quy hoạch tài nguyên nước-  Áp dụng thử nghiệm trên lưu vực sông Đồng  Nai” do TS. Nguyễn Trúc Lê, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã phần nào đáp ứng được yêu cầu đó.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, hiện nay vấn đề an ninh nguồn nước đang ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, mang tính chiến lược và mang tầm toàn cầu hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, gia tăng các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nguồn nước. Đặc biệt, biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và rất khó lường.

Tại Việt Nam, quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đã và đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh nguồn nước. Với khoảng 63% trong tổng trữ lượng 830-840 tỉ m3 nguồn nước bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào những động thái phát triển trên các con sông quốc tế như sông Hồng và sông Mê Công.

Để đạt được mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống có hiệu quả các tác hại của nước do nhân tai gây ra.

Nhiều phương pháp và cách tiếp cận quản lý mới đã được nghiên cứu và ứng dụng như phương pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước, phương pháp quản lý nước theo lưu vực sông…

Theo đó đề tài của TS. Nguyễn Trúc Lê đã đưa nhiều giải pháp thiết thực. Đề tài được triển khai từ năm 2016 và dự kiến hoàn thành năm 2019. Sau khoảng thời gian thực hiện đề tài đã xây dựng được cơ sở khoa học đánh giá an ninh nguồn nước (ANNN) các lưu vực sông (LVS) chính ở Việt Nam và bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế sử dụng nước ở Việt nam.

Đến nay, đề tài đã hoàn thành một số công việc như đánh giá tổng quan về an ninh nguồn nước các lưu vực sông chính ở Việt Nam: Lưu vực sông Hồng; lưu vực sông Mã; lưu vực sông Cả; lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn; lưu vực sông Ba; lưu vực sông Đồng Nai; lưu vực sông Mê Công; Biên tập bản đồ hiện trạng khai thác và sử dụng nước lưu vực sông Đồng Nai, tỷ lệ 1/100.000; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế sử dụng nước LVS đảm bảo an ninh nguồn nước nội địa; đề xuất các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước, quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng…Qua đó, đề xuất các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước, quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo các chuyên gia môi trường, với cách tiếp cận mới, đề tài đảm bảo an ninh nguồn nước sẽ góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, mang lại công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước, hướng tới mục tiêu nước toàn cầu “đảm bảo an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững”./.

Khánh Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực