Dành 150 ha rừng để bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám

Thứ năm, 18/07/2019 09:50
(ĐCSVN) - Đề án Bảo tồn loài chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đề xuất tổng diện tích sinh cảnh sống cho voọc chà vá chân xám và bảo tồn đa dạng sinh học dự kiến khoảng 150 ha để kết nối sinh cảnh của các đàn voọc chà vá chân xám sống trên 4 khu vực biệt lập lại với nhau.
Voọc chà vá chân xám sinh sống tại địa bàn xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (Quảng Nam).

Chiều 17/7, tại TP Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Dự án Trường Sơn Xanh (thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo góp ý lần thứ hai cho đề án "Bảo tồn loài chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành". 

Tham dự Hội thảo có đại diện các sở, ban ngành tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Núi Thành, UBND xã Tam Mỹ Tây, Chi cục Kiểm lâm và các chuyên gia trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn.

Voọc chà vá chân xám (tên khoa học Pygathrix cinerea) là loài đặc hữu nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và được đánh giá là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao trên thế giới. Tại khu vực núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, qua khảo sát đã ghi nhận có khoảng 50 cá thể voọc chà vá chân xám đang sinh sống thành khoảng 4 đàn. 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận về các đề xuất trong Đề án tổng thể bảo tồn quần thể voọc chá vá chân xám (xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành) giai đoạn 2019-2028. Đề án đưa ra 3 đề xuất chính bao gồm: bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học trong khu vực, nâng cao vai trò phòng hộ của rừng đầu nguồn và đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương.

Trong đó, đề án đề xuất tổng diện tích sinh cảnh sống cho voọc chà vá chân xám và bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực này dự kiến khoảng 150ha để kết nối sinh cảnh của các đàn voọc chà vá chân xám sống trên 4 khu vực biệt lập lại với nhau.

Theo đại diện Dự án Trường Sơn Xanh, bên cạnh loài voọc chà vá chân xám, khảo sát ban đầu cho thấy khu vực này còn có một số loài động thực vật có giá trị về đa dạng sinh học như khỉ đuôi lợn, cheo, mang, một số loài chim và động vật hoang dã khác. Do đó, việc chuyển đổi từ rừng sản xuất gỗ dăm sang rừng cây gỗ lớn giúp làm giàu rừng, tạo cảnh quan thiên nhiên và cải tạo môi trường sống cho loài voọc chà vá chân xám là vô cùng quan trọng, giúp giữ gìn nguyên vẹn các thảm thực vật, phục hồi và phát triển đa dạng sinh học./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực