Đẩy mạnh sử dụng chữ ký số

Thứ sáu, 11/10/2019 16:12
(ĐCSVN) – Sáng 11/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội năm 2019”.
(Ảnh: HNV)

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng,  Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ;v.v.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, Hội nghị lần này sẽ góp phần đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xã hội; tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị về việc quản lý, triển khai ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan nhà nước; phát triển thị trường dịch vụ chữ ký số công cộng phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, người dân và xã hội. Đồng thời, giúp thủ trưởng, lãnh đạo các cơ quan nhà nước, lãnh đạo các doanh nghiệp, đơn vị hiểu đúng lợi ích và vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng chữ ký số trong cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.

Thống kê cho thấy, tính đến tháng 9/2019, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin đã cung cấp gần 220.000 chứng thư số triển khai cho các cơ quan đảng và nhà nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu về cung cấp, quản lý, sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các cơ quan Nhà nước các cấp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: việc triển khai, nâng cấp các hệ thống quản lý văn bản điều hành để gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia, còn nhiều đơn vị chưa bố trí được kinh phí; thời gian cấp, đổi chứng thư số chậm dẫn tới nhiều vấn đề phát sinh khi cán bộ thay đổi vị trí làm việc, thay đổi chức vụ, gây khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi triển khai ký số trên văn bản điện tử; một số cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng và chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc gửi, nhận văn bản điện tử có tích hợp chữ ký số.

Chữ ký số là phần tất yếu của giao dịch điện tử. (Ảnh: PV)

Song song với quy định pháp lý cho việc ứng dụng và phát triển chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Luật giao dịch điện tử 2005, Nghị định 130/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật giao dịch điện tử (thay thế Nghị định số 26/2007/NĐ-CP; Nghị định 106/2011/NĐ-CP; Nghị định 170/2013/NĐ-CP) cũng tạo môi trường pháp lý vững chắc cho thị trường cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng hoạt động.

Năm 2009, dịch vụ chữ ký số (VNPT-CA) được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép đầu tiên cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, là CA công cộng đầu tiên hoạt động. Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho 14 doanh nghiệp, trong đó đi vào hoạt động 10 doanh nghiệp, 03 doanh nghiệp đang trong quá trình hoàn thiện đầu tư hệ thống kỹ thuật và tổ chức vận hành, 01 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép năm 2016.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia – Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến 30/6/2019, các CA công cộng đã cấp 2.699.668 chứng thư số, số lượng chứng thư số đang hoạt động là 1.166.896. Các chứng thư số được cấp chủ yếu cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện giao dịch trong các lĩnh vực chính như thuế điện tử, hải quan điện tử và bảo hiểm xã hội điện tử, ngoài ra còn sử dụng trong các loại giao dịch khác trong tài chính điện tử (chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử), giao dịch ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử,  giao dịch thương mại điện tử, hợp đồng điện tử...).

Điển hình là lĩnh vực thuế, sau 10 năm triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến ứng dụng chữ ký số tại Tổng cục Thuế, hiện nay tần suất sử dụng ngày càng tăng cao. Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Số lượng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử tính đến 31/3/2019 là 711.604 doanh nghiệp hoạt động.

Tính đến hết quý I/2019, Tổng cục Hải quan đang cung cấp 181 dịch vụ công trực tuyến áp dụng chữ ký số để xác thực và 170 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 áp dụng chữ ký số để xác thực. Số lượng doanh nghiệp sử dụng chữ ký số để giao dịch dịch vụ công trực tuyến tính đến thời điểm 31/3/2019 tại các hệ thống: hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS) với 203.967 doanh nghiệp tham gia; hệ thống cổng thông tin một cửa quốc gia với 28.464 doanh nghiệp tham gia và 173 thủ tục đã triển khai.

Bảo hiểm xã hội sau hơn 04 năm triển khai, các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) áp dụng chữ ký số phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến 31/3/2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp 28 dịch vụ công trực tuyến dành cho 323.481 doanh nghiệp ứng dụng dịch vụ.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về các nội dung quản lý nhà nước về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; vai trò của chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong hoạt động Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, văn bản điện tử cũng như các hoạt động của doanh nghiệp như: chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử, ngân hàng điện tử,chứng khoán điện tử, thương mại điện tử, hợp đồng điện tử… trong đó chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số là hạ tầng pháp lý cho các hoạt động giao dịch điện tử.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng tập trung thảo luận các nội dung: Tình hình ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các điển hình về ứng dụng chữ ký số trong các hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước; tình hình triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia; giới thiệu sản phẩm, giải pháp tích hợp chữ ký số vào các hệ thống văn bản điều hành của các bộ, ngành và địa phương đáp ứng quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của hệ thống quản lý tài liệu điện tử; giới thiệu dự thảo thông tư quy định sử dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử; hướng dẫn triển khai các giải pháp, công cụ ký số trên nền tảng web, thiết bị di động cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, giải pháp về chính phủ số, chính quyền điện tử...

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực