Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp thực hiện tốt bảo vệ môi trường

Thứ sáu, 22/06/2018 16:22
(ĐCSVN) – Đề cập đến vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Bộ đã phối hợp các Bộ, ngành, địa phương tổ chức điều tra, thống kê các nguồn thải ra môi trường, quan trắc môi trường, cũng như thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường.

                                        

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: BL

Ngày 22/6, tại Hà Nội, Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nhà báo với môi trường và biển đảo năm 2018.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết: Đối với ngành TN&MT, các lĩnh vực chuyên ngành như: Quản lý đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu…. đều liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp. Nhu cầu thông tin về TN&MT rất lớn và cần được đầu tư thường xuyên.

Do vậy, Bộ TN&MT luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền về hoạt động của ngành như: Họp báo thường kỳ hàng tháng; tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại, giao lưu trực tuyến, các cuộc thi viết, ký biên bản ghi nhớ, quy chế phối hợp tuyên truyền...

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, chúng ta đã thiết lập và vận hành hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương. Các Bộ, ngành, địa phương có biển đã tổ chức rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) phục vụ quản lý biển và hải đảo. Ðặc biệt, với Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới; tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Bộ TN&MT đã phối hợp các Bộ, ngành, địa phương tổ chức điều tra, thống kê các nguồn thải ra môi trường, quan trắc môi trường, cũng như thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, đầu tư kinh phí xây dựng các hệ thống xử lý chất thải tại các khu vực ven biển; thường xuyên tiến hành thanh, kiểm tra nhằm xử lý kịp thời các vụ vi phạm gây ô nhiễm môi trường; tích cực trồng rừng ngập mặn, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái ven biển, xây dựng quy hoạch các khu bảo tồn biển.

Đóng góp ý kiến về công tác quản lý, bảo vệ môi trường và biển đảo tại Diễn đàn, các nhà báo cho rằng, môi trường là một tiêu chí hết sức quan trọng và cần thiết trong xây dựng nông thôn mới và trong nhiều lĩnh vực khác. Những năm gần đây, quan hệ của báo chí với Bộ TN&MT được gắn kết chặt chẽ hơn. Báo chí đã cập nhật thông tin kịp thời, đặc biệt khi có sự cố môi trường xảy ra. Bộ TN&MT cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm với người dân để giải đáp những thắc mắc của người dân về những vấn đề Bộ quản lý. Bởi vậy, thời gian tới, Bộ TN&MT phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp và người dân thực hiện tốt nhất những vấn đề về môi trường; tiếp tục có những thông tin kết nối thường xuyên, tăng cường kết nối người dân qua giao lưu trực tuyến; quan tâm hơn nữa về mặt chính sách, đặc biệt kinh phí từ trung ương đến địa phương về rác thải; có hướng dẫn về mặt công nghệ; có định hướng mô hình xử lý rác từ cấp thành phố đến quận, huyện, phường, xã./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực