Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và Trục liên thông văn bản quốc gia

Chủ nhật, 11/08/2019 01:41
(ĐCSVN) - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã triển khai các phân hệ ứng dụng phục vụ quản trị nội bộ và hoạt động nghiệp vụ; các phần mềm về Bộ chỉ số và Cổng Thông tin điện tử đã thể hiện rõ sự kết nối, tương tác giữa Ủy ban với doanh nghiệp và người dân, giữa Ủy ban với công chức, viên chức và người lao động, tuân thủ yêu cầu Kiến trúc Chính phủ điện tử 1.0.

Hội thảo số hóa quản lý điều hành và xây dựng trục liên thông văn bản điện tử theo mô hình Chính phủ điện tử

Chiều 9/8, tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã tổ chức Hội thảo số hóa quản lý điều hành và xây dựng trục liên thông văn bản điện tử theo mô hình Chính phủ điện tử của Ủy ban.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà cho biết: Xây dựng Chính phủ điện tử là một chủ trương lớn đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Nhận thức rõ yêu cầu này cũng như xu hướng phát triển của thời đại, trong thời gian qua, Ủy ban đặc biệt chú trọng đến công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành; đã triển khai các phân hệ ứng dụng phục vụ quản trị nội bộ và hoạt động nghiệp vụ; các phần mềm về Bộ chỉ số và Cổng Thông tin điện tử đã thể hiện rõ sự kết nối, tương tác giữa Ủy ban với doanh nghiệp và người dân, giữa Ủy ban với công chức, viên chức và người lao động, tuân thủ yêu cầu Kiến trúc Chính phủ điện tử 1.0.

“Là cơ quan thuộc Chính phủ mới được thành lập, còn rất nhiều việc phải làm, nhưng xây dựng Chính phủ điện tử luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban. Hội thảo này là diễn đàn để Ủy ban và các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi về một bước đi quan trọng sắp tới, đó là xây dựng Trục liên thông văn bản điện tử giữa Ủy ban và doanh nghiệp, tiến tới tích hợp dữ liệu và số hóa các hoạt động quản lý điều hành của Ủy ban với doanh nghiệp, theo đúng yêu cầu, chỉ đạo và định hướng của Chính phủ” - Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu khai mạc Hội thảo

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà cũng đề nghị các doanh nghiệp quán triệt sâu sắc hơn nhiệm vụ của mình trong việc tham gia xây dựng Trục liên thông văn bản điện tử giữa Ủy ban và doanh nghiệp, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với Ủy ban và các doanh nghiệp, thể hiện trong Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 27/7/2019 của Văn phòng Chính phủ.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Đỗ Thái Hà - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) nhấn mạnh tầm vai trò của sự đồng hành của doanh nghiệp và Chính phủ trong quá trình số hóa quản lý hành chính và xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia; đồng thời, chỉ ra khó khăn trong triển khai công tác này. “Khi triển khai thành công chuyển đổi số trong quản lý hành chính thì cả Chính phủ và khối doanh nghiệp sẽ cùng nhau đạt được mục tiêu nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả quản lý vốn nhà nước. Đi kèm với đó là mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin, tăng tính minh bạch. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng các đơn vị trong quá trình triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia” - bà Đỗ Thái Hà nhấn mạnh.

Trình bày tham luận về định hướng ứng dụng CNTT của Ủy ban, ông Trần Công Hòa - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Thông tin cho biết: Ủy ban định hướng xây dựng hệ thống CNTT theo mô hình Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu thông tin giám sát và quản lý vốn nhà nước. Với những mục tiêu quan trọng như liên thông với Chính phủ và các Bộ ngành, xây dựng cơ sở dữ liệu từ đó giám sát, đánh giá doanh nghiệp, hay quản trị nội bộ chuyên ngành, hiện Ủy ban đã áp dụng mô hình kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ, kết nối với doanh nghiệp thông qua hệ thống Văn bản điện tử, Phần mềm Bộ chỉ số, Hội nghị trực tuyến và Cổng thông tin điện tử.

Trung tâm Thông tin đã thực hiện khảo sát 19 doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban về các vấn đề liên quan tới xây dựng Trục liên thông văn bản điện tử của Ủy ban. Theo đó, hiện nay do mỗi doanh nghiệp sử dụng nền tảng công nghệ khác nhau, nên rất cần thiết phải xây dựng trục tích hợp dữ liệu để đảm bảo sự đồng bộ chia sẻ thông tin, báo cáo phục vụ công việc. Các doanh nghiệp sẽ liên thông qua trục với Ủy ban để kết nối các Bộ, ngành, địa phương thông qua  Trục liên thông văn bản quốc gia. Do đó, doanh nghiệp cần khẩn trương đầu tư nâng cấp, hoàn thiện Phần mềm quản lý văn bản, đáp ứng yêu cầu chuẩn dữ liệu theo quy định.

“Nếu xây dựng thành công mô hình Chính phủ điện tử, cả Ủy ban và doanh nghiệp sẽ cùng đạt được mục tiêu nâng cao năng lực quản trị; đổi mới công nghệ, tiết kiệm và gia tăng lợi nhuận; kết nối chặt chẽ, từ đó nâng cao hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ trong Ủy ban cùng cần tích cực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu và triển khai với các doanh nghiệp khác” - ông Trần Công Hòa nhấn mạnh.

Ông Tô Dũng Thái - Phó Tổng Giám đốc VNPT cho biết: Là doanh nghiệp đi đầu về chuyển đổi số, VNPT đang triển khai Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia cho Chính phủ. Trục liên thông văn bản quốc gia được kết nối, liên thông với Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các Bộ, ngành, địa phương qua Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam; nâng cao năng suất đội ngũ cán bộ, tối ưu hoạt động điều hành của các cơ quan Nhà nước, chuyển đổi mô hình quản trị từ bị động sang dự báo chủ động; giúp kết nối và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Ông Tô Dũng Thái Phó Tổng Giám đốc VNPT, phát biểu tại hội thảo

Đến nay, VNPT đã ký kết hợp tác toàn diện về CNTT và công nghệ thành phố thông minh với 53 UBND tỉnh, thành phố nhằm phối hợp tối đa các địa phương trong việc ứng dụng CNTT vào quản lý điều hành và phát triển kinh tế. Tính đến hết năm 2018, VNPT đã bàn giao nhiều dự án về du lịch, nông nghiệp, chính quyền điện tử và thành phố thông minh cho nhiều tỉnh, thành phố. Đồng thời VNPT đã ký hợp tác chuyển đổi số cho các Bộ ngành và các Tập đoàn, Tổng Công ty lớn, trong đó có cả phần hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ.

Trình bày tham luận về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp lớn, ông Nguyễn Đức Kiên - chuyên gia CNTT của VNPT nhấn mạnh: Trục liên thông văn bản quốc gia là nền tảng cốt lõi đảm bảo xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số. Những công nghệ của VNPT cho phép trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin dựa trên kiến trúc phân tán hoặc tập trung tùy theo yêu cầu. Bên cạnh đó, những hệ thống mà VNPT triển khai đã giảm thiểu sự phức tạp trong việc giao tiếp giữa các hệ thống cũng như đảm bảo tính sẵn sàng, toàn vẹn, bảo mật dữ liệu trong quá trình trao đổi thông tin.

Thảo luận tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã chia sẻ những thông tin, trao đổi kinh nghiệm thực tế trong quá trình triển khai công tác chuyển đổi số trong quản lý hành chính.

Cũng tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đưa ra đề xuất quá trình số hóa quản lý hành chính và xây dựng Trục liên thông văn bản cần đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt, có như vậy mới đảm bảo tính hiệu quả.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà yêu cầu Trung tâm Thông tin cần tính toán kỹ lưỡng cách thức thực hiện liên quan tới đối tượng cần liên thông, những nội dung, phạm vi liên thông khi xây dựng Trục liên thông văn bản. Phó Chủ tịch cũng giao nhiệm vụ cho Trung tâm Thông tin phối hợp cùng các đơn vị đầu mối làm công tác CNTT của 19 Tập đoàn, Tổng Công ty trực thuộc xây dựng dự thảo chương trình kế hoạch. Thời gian tới, Ủy ban sẽ tiếp tục mời những tổ chức, chuyên gia công nghệ để thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ thêm về vấn đề này.

Hà Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực