Dịch tả lợn Châu Phi đã lan rộng tới 17 tỉnh, thành phố

Thứ năm, 14/03/2019 21:49
(ĐCSVN) - Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi đã lan rộng tới 17 tỉnh, thành phố nước ta. Nguyên nhân dịch bệnh lan nhanh do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, cũng như vì lợi ích kinh tế trước mắt đã mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh.

 


Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (Ảnh: KL)

 Dịch tả lợn Châu Phi đã lan rộng tới 17 tỉnh, thành phố

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, từ ngày 1/2-14/3/2019, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy 23.442 con.

Cụ thể, tại Hưng Yên, dịch bệnh đã xảy ra tại 37 xã, 7 huyện (Ân Thi, TP. Hưng Yên, Kim Động, Mỹ Hào, Văn Giang, Yên Mỹ và Tiên Lữ). Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy 4.230 con.

Tại Thái Bình, dịch bệnh đã xảy ra tại 86 xã, 6 huyện gồm: Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Vũ Thư, Thái Thụy và Kiến Xương. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy 10.778 con lợn.

Với tỉnh Hà Nam, dịch bệnh đã xảy ra tại 6 xã, 5 huyện (Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân, Duy Tiên và TP. Phủ Lý). Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy 594 con.

Tại thành phố Hải Phòng, dịch bệnh đã xảy ra tại 34 xã, 6 huyện (Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Dương, Vĩnh Bảo, Kiến Thị và Dương Kinh). Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy 5.263 con.

Bên cạnh đó, DTLCP đã xảy ra tại 10 xã, 2 huyện (Yên Định và Thiệu Hóa) thuộc tỉnh Thanh Hóa. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là là 644 con.

Riêng tại Hà Nội, dịch bệnh xảy ra tại 10 xã, 6 huyện, quận gồm: Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn và Quốc Oai. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy 437 con.

Tính đến ngày 12/3, Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 2.929 mẫu giám sát, dương tính 1.310 mẫu. Trong đó mẫu lấy từ các hộ có lợn bị bệnh 1.881 mẫu (dương tính 1.299 mẫu), mẫu giám sát tại các hộ xung quanh hộ có lợn bị bệnh 1.048 mẫu (dương tính 11 mẫu).

Còn nhiều bất cập dẫn đến lây lan DTLCP

Kết quả bước đầu điều tra, xác định nguyên nhân chính dẫn đến bệnh DTLCP xuất hiện tại các tỉnh, thành phố cơ bản do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, cũng như vì lợi ích kinh tế trước mắt nên khi có lợn bệnh, lợn chết đã mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng.

Mặt khác, vi rút DTLCP có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi, trong khi đó, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Thực tế, tại các ổ dịch, mặc dù có các chốt kiểm dịch nhưng việc kiểm soát chưa được chặt chẽ. Một số đoàn công tác, kể cả đoàn chuyên gia FAO phát hiện có người dân chở lợn sống bằng xe máy trong thôn đang có dịch tại Thái Bình.

Bên cạnh đó, các địa phương chưa quản lý triệt để những thương lái đi thu gom lợn, trong đó có lợn ốm, chết. Việc quản lý những người tham gia buôn bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y,…chưa triệt để, dẫn đến đây là những yếu tố nguy cơ cao làm lây lan dịch bệnh.

Nhiều người tham gia xử lý tiêu hủy lợn bệnh chưa được tập huấn kỹ về an toàn sinh học cá nhân. Một số người tham gia xử lý, tiêu hủy lợn bệnh đã làm lây lan dịch bệnh về đàn lợn của gia đình.

Kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ lợn

Nhằm sớm kiểm soát được DTLCP, nhất là trong trường hợp chưa có vắc xin phòng bệnh DTLCP, Cục Thú y đề nghị trong thời gian tới, các địa phương cần tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung của Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15/11/2018; Công điện số 1237/CĐ-BNN-TY ngày 22/2/2019 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Thực hiện tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm, chốt kiểm dịch động vật tạm thời, trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông.

Tiến hành tạm dừng vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ các huyện có dịch ra khỏi huyện trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi con lợn cuối cùng mắc bệnh DTLCP được tiêu hủy trên địa bàn cấp huyện.

Cục Thú y đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú ý các tỉnh, thành phố chấn chỉnh công tác kiểm dịch, vận chuyển ngay từ nơi xuất phát. Yêu cầu kiểm dịch viên được giao nhiệm vụ kiểm dịch động vật thực hiện nghiêm các quy định về trình tự, thủ tục kiểm dịch theo Luật Thú y và các thông tư hướng dẫn.

Đặc biệt, trong công tác giết mổ lợn, trường hợp xã có dịch, cho phép giết mổ lợn từ những đàn lợn trong cùng xã có dịch nếu lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP; tiêu thụ thịt lợn trong địa bàn xã có dịch bệnh.

Các địa phương rà soát các cơ sở giết mổ động vật, đặc biệt là các điểm giết mổ nhỏ lẻ; kiên quyết không cho hoạt động giết mổ nếu không đạt yêu cầu vệ sinh thú y. Tăng cường nhân lực cho việc kiểm soát giết mổ để bảo đảm động vật được đưa vào giết mổ đều khỏe mạnh.

Đối với hộ, trại (quy mô nhỏ lẻ) nhiễm bệnh đầu tiên trong thôn, bản, ấp, cần lấy mẫu của 3-5 con lợn/hộ để xét nghiệm bệnh DTLCP. Tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn mắc bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút DTLCP.

Đáng chú ý, về công tác truyền thông, cần cung cấp đầy đủ thông tin về sự nguy hiểm của bệnh DTLCP, diễn biến dịch tới các đối tượng gồm: chính quyền địa phương, người chăn nuôi, vận chuyển lợn, khách du lịch,…Ngoài ra, cần thông tin về chính sách hỗ trợ của nhà nước tới người chăn nuôi để người dân khai báo kịp thời, không bán chạy lợn./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực