Đổi mới phương pháp dạy học trong đổi mới giáo dục phổ thông

Thứ năm, 18/05/2017 15:50
(ĐCSVN) - Đổi mới giáo dục đang được toàn xã hội quan tâm. Đổi mới phương pháp dạy học trong đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học cập nhật và đổi mới tri thức, kĩ năng, phát triển năng lực.

Học sinh Trường Tiểu học Dịch Vọng A (Cầu Giấy, Hà Nội) trong một giờ học ngoại khóa. (Ảnh minh họa: Thành Tâm)  

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới – mà trước hết là chương trình tổng thể (Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng tải lên mạng lần thứ hai - từ 16/4 đến 20/5/2017 - để tranh thủ sự đóng góp của các nhà khoa học, nhà giáo và các tầng lớp nhân dân, trong đó có phụ huynh học sinh và học sinh) được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực, phù hợp với xu thế phát triển chương trình của các nước tiên tiến, nhằm thực hiện yêu cầu của Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội: "tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà trí, đức, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh". Đổi mới phương pháp dạy học là một giải pháp được xem là then chốt, có tính đột phá cho việc thực hiện chương trình này.

Trong bài "Đổi mới căn bản, toàn diện để hoàn thiện một nền giáo dục và đào tạo Việt Nam nhân bản" (Tạp chí Cộng sản, số 885-7/2016), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: "Ngày nay, khi tri thức đã trở thành yếu tố hàng đầu để phát triển kinh tế tri thức thì các nước trên thế giới đều ý thức được rằng giáo dục là đòn bẩy quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển xã hội bền vững". Nhận thức sâu sắc về điều đó, việc đổi mới tư duy giáo dục trong thời đại tri thức nhằm đáp ứng sự thay đổi của cuộc sống là một tất yếu, bởi vì "khi hệ thống tri thức có những thay đổi thì sớm hoặc muộn, nhanh hoặc chậm, năng lực tư duy và hoạt động của con người cũng phải thay đổi. Đời sống hiện thực biến đổi luôn đặt ra những vấn đề mới, buộc con người phải suy nghĩ, tìm kiếm những lời giải đáp và những phương tiện để giải quyết vấn đề. Những tri thức mới ra đời bổ sung và bồi đắp cho hệ thống tri thức đã có, làm thay đổi cách nhìn nhận, thay đổi từng phần thế giới quan, dẫn đến thay đổi cả phương thức hoạt động của con người và cộng đồng. Điều đó cũng có nghĩa rằng, những tri thức mới đã làm thay đổi tư duy của con người" (Lương Đình Hải - Triết học trong kỷ nguyên toàn cầu - NXB Khoa học xã hội, 2009). Liên quan vấn đề này, chúng tôi đã có dịp đề cập trong các bài báo khoa học "Dạy cách học" (Báo Nhân Dân hằng tháng, số 266-4/2016) và "Dạy cách học - một trọng tâm trong đổi mới tư duy giáo dục hiện nay – Tạp chí Giáo dục, số 378-3/2016). Theo đó, việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm đáp ứng bối cảnh của thời đại, nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, mục tiêu giáo dục phổ thông, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, phù hợp với nội dung giáo dục từng cấp, lớp được xem như một điều kiện có tính tiên quyết, nhằm quán triệt quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế: "Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học".

Để phát triển nền giáo dục theo định hướng năng lực, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình GDPT cho biết: Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể đã thể hiện quan điểm trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về xây dựng nền giáo dục thực học, thực nghiệp và dân chủ trên các bình diện mục tiêu: hình thành, phát triển năng lực thực tiễn cho người học, quán triệt yêu cầu hướng nghiệp để thực hiện phân luồng mạnh sau trung học cơ sở và bảo đảm tiếp cận nghề nghiệp ở trung học phổ thông; trao quyền và trách nhiệm tổ chức kế hoạch dạy học cho cơ sở giáo dục phù hợp với yêu cầu của địa phương, tạo điều kiện cho người học được lựa chọn môn học và hoạt động giáo dục phù hợp sở trường và nguyện vọng; phát huy tính năng động, tư duy độc lập và sáng tạo của người học.

Thiết nghĩ, giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu trên là sự vận hành tương tác đồng bộ của các thành tố trong các phương pháp dạy học tích cực (người dạy – người học – học liệu – môi trường,…), khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ áp đặt một chiều; đồng thời kết hợp hài hoà giữa dạy kiến thức công cụ với kiến thức phương pháp, đặc biệt chú trọng dạy cách học, phương pháp tự học để người học có thể học tập suốt đời – điều mà Giáo sư John Vũ - một người Mỹ gốc Việt có những đóng góp rất đặc biệt trong lĩnh vực GDĐT đối với thế hệ trẻ - một nhà khoa học nổi tiếng ở nước Mỹ và trong Top 10 những người sáng tạo nhất thế giới do Bill Gates và Steve Jobs đứng đầu – đã khẳng định trong công trình "Giáo dục trong thời đại tri thức" (NXB Lao động, 2015): "Khái niệm cũ rằng giáo dục chỉ kéo dài 12 hay 16 năm trong giáo dục chính thức, kiểu đọc bài giảng đã lạc hậu rồi. Khái niệm mới phải giúp mọi người, không chỉ trong tuổi thanh niên của họ, mà trong toàn thể cuộc đời họ, tiếp tục học và thành công trong thế giới đang thay đổi". Từ ưu thế của các phương pháp giáo dục, hình thức tổ chức dạy học mới đã triển khai trong những năm gần đây như: phương pháp bàn tay nặn bột, giáo dục trải nghiệm sáng tạo, giáo dục STEM,… việc đổi mới phương pháp dạy học cần được thực hiện trên cơ sở phân hoá đối tượng, các căn cứ về điều kiện, loại hình năng lực và phẩm chất cần phát triển ở người học để từ đó lựa chọn các hình thức tổ chức dạy học phù hợp, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong tổ chức dạy học thông qua việc sử dụng các mô hình học tập kết hợp giữa lớp học truyền thống với các lớp học trực tuyến; cùng với việc tổ chức cho người học thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn việc học tập ở nhà, ở ngoài nhà trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học; tăng cường mô hình học tập gắn với thực tiễn, xây dựng và sử dụng tủ sách lớp học, phát triển văn hóa đọc gắn với hoạt động của các câu lạc bộ khoa học trong nhà trường; tăng cường hoạt động giao lưu, hợp tác nhằm thúc đẩy hứng thú học tập, rèn luyện kĩ năng sống, nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới… Giáo viên tổ chức, hướng dẫn hoạt động, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề nhằm khuyến khích người học tích cực tham gia các hoạt động học tập, tự khẳng định năng lực và nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và vận dụng hiệu quả những kiến thức, kĩ năng đã tích luỹ được để "phát triển con người toàn diện ở nền công nghiệp 4.0" - như khẳng định của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị ASEM với chủ đề “Giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững” (Huế, 31/3/2017), hướng tới một nền giáo dục Việt Nam hiện đại và hội nhập quốc tế./. 

Nguyễn Trọng Hoàn (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực