Đông Nam Á học ở Việt Nam: Triển vọng và thách thức

Thứ năm, 15/11/2018 10:24
(ĐCSVN) – Làm thế nào để Đại học Quốc gia Hà Nội có thể đào tạo ra một nguồn nhân lực mới có chất lượng để đảm bảo sự hội nhập của đất nước vào khu vực thành công và nâng cao kiến thức, nhận thức của người Việt Nam nói chung và các nhà làm chính sách kinh tế - chính trị về khu vực Đông Nam Á?
GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: KL)

Đây là hai nội dung chính được tập trung thảo luận tại Hội thảo quốc tế “Đông Nam Á học ở Việt Nam: Triển vọng và thách thức” do Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức vào ngày 14/11, tại Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam Wendy Matthews; GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; đại diện lãnh đạo Trường Đại học Quốc gia Hà Nội; đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam; cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên Đông Nam Á học.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, Đông Nam Á học ở Việt Nam được hình thành và phát triển rất sớm so với các nước trong khu vực. Bắt đầu từ năm 1973, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã được thành lập. Bên cạnh đó, đào tạo về Đông Nam Á học ở bậc đại học mới chỉ thực sự được quan tâm vào năm 1995 sau khi Khoa Đông phương học được thành lập ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, nghiên cứu Đông Nam Á học thực chất mới chỉ dừng lại ở đất nước học, tức đào tạo tập trung vào việc phổ biến ngôn ngữ và văn hóa theo từng quốc gia trong khu vực thay vì nghiên cứu khu vực và mối liên hệ khu vực với tư cách là một khoa học về khu vực. Thêm nữa, sự khó khăn trong tìm kiếm việc làm của sinh viên sau khi ra trường cũng là một trong những lý do làm hạn chế sự mở rộng đào tạo và nghiên cứu về khu vực.

Theo GS.TS Phạm Quang Minh, với sự hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện của đất nước vào khu vực Đông Nam Á và tầm quan trọng địa – chính trị của khu vực cũng như những thay đổi nhanh chóng của châu Á và thế giới những năm gần đây đã đặt môn học về khu vực Đông Nam Á trước một vận hội mới. Hơn nữa, giờ đây, với nguồn lực mới, các nhà nghiên cứu và sinh viên Đông Nam Á học có nhiều cơ hội để nghiên cứu thực địa tại các nước trong khu vực và tìm kiếm việc làm.

Nhấn mạnh về ý nghĩa của Hội thảo, GS.TS Phạm Quang Minh cho biết, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận làm rõ hai vấn đề là: Làm thế nào để Đại học Quốc gia Hà Nội có thể đào tạo ra một nguồn nhân lực mới có chất lượng để đảm bảo sự hội nhập của đất nước vào khu vực thành công và nâng cao kiến thức, nhận thức của người Việt Nam nói chung và các nhà làm chính sách kinh tế - chính trị về khu vực Đông Nam Á. Hội thảo được kỳ vọng sẽ mang lại những góc nhìn mới, đa chiều về xu hướng nghiên cứu khu vực Đông Nam Á và đào tạo nhân lực về khu vực này cho Việt Nam.  

Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà nghiên cứu và giảng viên đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ những nghiên cứu mới về các vấn đề khu vực học ở Việt Nam và đề xuất giải pháp, kiến nghị góp phần giải quyết những thách thức mới trong quá trình phát triển khoa học về khu vực học của đất nước. Đây là cơ sở để Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bổ sung cơ sở học thuật cho việc xây dựng chương trình đào tạo các bậc học về Đông Nam Á.

Các đại biểu dự Hội thảo. (Ảnh: KL)

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ trao tặng sách của GS.TS. Nicholas Tarling (1931 – 2017), Đại học Auckland, New Zealand đối với Đông Nam Á học cho Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Nhấn mạnh ý nghĩa của việc trao tặng sách, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam đánh giá cao vai trò của GS.TS Nicholas Tarling trong việc nghiên cứu và giảng dạy về Đông Nam Á học; đồng thời hy vọng, những cuốn sách của GS.TS Nicholas Tarling sẽ giúp các giảng viên, sinh viên ngành Đông Nam Á học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói riêng và của Việt Nam nói chung nâng cao trình độ dạy và học trong lĩnh vực này./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực