Đồng Tháp: Không chủ quan với dịch bệnh sốt xuất huyết

Thứ sáu, 20/09/2019 17:48
(ĐCSVN) - Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Lâm Thái Thuận, Đồng Tháp hiện là một trong 9 tỉnh, thành phía Nam có số ca mắc sốt xuất huyết cao. Diễn biến tình hình trên địa bàn tỉnh đang ở ngưỡng báo động vàng, vì vậy, phải triển khai ngay các giải pháp phòng chống. Nếu không diễn biến dịch sẽ đến mức báo động đỏ, nguy cơ bùng phát dịch là rất cao.

Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Tháp, tính đến tuần thứ 36 (ngày 8/9/2019), toàn tỉnh ghi nhận 3.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 106% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện, 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. 3 địa phương là Hồng Ngự, Lấp Vò và thành phố Cao Lãnh có tổng số ca mắc bệnh sốt xuất huyết rất cao. Trong đó, Lấp Vò là một trong địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh Đồng Tháp. Cuối tháng 8/2019, huyện Lấp Vò xuất hiện 142 ổ dịch, với 302 ca bệnh, trong đó có 14 ca nặng (tăng 200% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 160% so với trung bình 5 năm giai đoạn 2011 – 2015).

Bác sỹ Huỳnh Hồng Phúc, Trưởng khoa Hồi sức nhi – sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp thông tin, trong 8 tháng của năm 2019, khoa đã tiếp nhận hơn 1.000 lượt bệnh nhân đến điều trị, chữa bệnh vì mắc sốt xuất huyết, trong đó trẻ em chiếm 2/3. Riêng số điều trị nội trú tại bệnh viện là 600 bệnh nhân, trong đó có 336 trẻ em.

Điểm khác thường của bệnh sốt xuất huyết năm nay là số bệnh nhân tăng cao và tỷ lệ người lớn mắc bệnh tương đương với trẻ em dưới 15 tuổi. Kèm theo đó, các trường hợp mắc bệnh nặng và có dấu hiệu sốc ở người lớn cũng nhiều hơn. Cụ thể, trong 72 ca sốc nặng nhập viện tại bệnh viện đã có 30 ca là người lớn.



Lực lượng chức năng kiểm tra lăng quăng tại các hộ gia đình. Ảnh: Báo Đồng Tháp

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết trong thời gian gần đây, trong ngày 17 và 19/9, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Đồng Tháp đến kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện như Lấp Vò, Cao Lãnh, Tháp Mười và thành phố Sa Đéc.

Tại những nơi đoàn đến, trong đó có các vùng xuất hiện ổ dịch trước đó, người dân cũng chưa “mặn mà” với việc phòng dịch. Xung quanh nhà rải rác các vật dụng chứa lăng quăng, thậm chí có nơi ao tù, nước đọng. Đây là nơi sinh sản của muỗi vằn, vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết.

Đáng chú ý, qua kiểm tra 43 gia đình tại ấp Phú Thành, xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc, Đoàn công tác ghi nhận 19/43 hộ có các vật dụng chứa nước có lăng quăng (chiếm 44%). Đây là chỉ số rất cao so với ngưỡng cho phép là 20 vật chứa nước có lăng quăng trên 100 nhà dân. Theo nhận định, với tình trạng này nguy cơ bùng phát dịch rất cao, bởi lăng quăng sẽ hình thành muỗi vằn (vật chủ trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết xảy ra sau 8 – 10 ngày)…

Trước tình hình này, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Lâm Thái Thuận cảnh báo, bệnh sốt xuất huyết là bệnh lưu hành quanh năm, song tỷ lệ mắc bệnh cao tập trung vào những tháng mùa mưa. Nếu 6 tháng đầu năm 2019, trung bình mỗi tuần toàn tỉnh ghi nhận khoảng 40 ca, thì trong thời gian tháng 7 – 8, mỗi tuần ghi nhận khoảng 100 ca, có tuần khoảng 120 ca. Xu hướng dịch diễn biến phức tạp từ tháng 8, 9 và còn có thể kéo dài đến tháng 11, nếu không có biện pháp phòng ngừa kịp thời.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Lâm Thái Thuận thông tin, ngay từ đầu năm, ngành y tế đã xây dựng và tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Thời gian qua, ngành y tế tỉnh chủ động giám sát, cập nhật ca bệnh hàng ngày từ các bệnh viện, các cơ sở y tế trong tỉnh, giám sát véc-tơ, giám sát trọng điểm tại địa bàn nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. Tính đến tháng 8/2019, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều đợt chiến dịch diệt lăng quăng tại các xã, phường, thị trấn. Trong đó, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố cũng hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện chiến dịch trên diện rộng…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Lâm Thái Thuận cho rằng, thời điểm này là đỉnh của chu kỳ dịch sốt xuất huyết. Tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang ở ngưỡng “cảnh báo vàng”, nếu không chủ động chung tay triển khai giải pháp phòng chống kịp thời, thì nguy cơ diễn biến dịch sẽ đến mức báo động đỏ, nguy cơ bùng phát dịch là rất cao.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, các địa phương từ cấp huyện đến cấp xã cần nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và phát sinh, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao và phun hóa chất triệt để khi phát hiện các ổ dịch không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.

Các địa phương tổ chức đồng loạt chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết để người dân chủ động, thường xuyên vệ sinh các dụng cụ chứa nước loại bỏ lăng quăng và muỗi để tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm các biện pháp phòng bệnh, cụ thể như khơi thông các cống, rãnh; đậy kín các lu, hũ không cho muỗi vào đẻ trứng, thả cá ăn vào các dụng cụ chứa nước lớn, cọ rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước, lật úp các dụng cụ không dùng nhưng có khả năng chứa nước. Ngoài ra, thường xuyên thay nước bình hoa, thu dọn các vật phế thải dễ gây đọng nước ở xung quanh nhà như chai, lọ, vỏ dừa, lốp xe…/.

PVC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực