Dừa xiêm và Bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý

Thứ năm, 15/03/2018 15:26
(ĐCSVN) – Hai sản phẩm Dừa uống nước xiêm xanh và Bưởi da xanh là hai sản phẩm đầu tiên của tỉnh Bến Tre được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây cũng là một trong số các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao của tỉnh.

Dừa xiêm và Bưởi da xanh của tỉnh Bên Tre là 2 sản phẩm đầu tiên 

 được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Mai Hà

Ngày 15/3,  tại Bến Tre, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Lễ công bố chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho hai sản phẩm Dừa uống nước xiêm xanh và Bưởi da xanh. Đây cũng là một trong số các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao, giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Dừa uống nước xiêm xanh và Bưởi da xanh là hai sản phẩm đầu tiên của tỉnh Bến Tre được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Đây cũng là một trong số các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bà con nông dân. 

Tỉnh Bến Tre đã ban hành nhiều chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực này theo chuỗi giá trị, trong đó có Nghị quyết số 03-NQ-TU của Tỉnh ủy về nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.

Hiện tại, tỉnh Bến Tre có 7.200 ha trồng bưởi da xanh (chiếm 28% diện tích cây ăn trái của tỉnh), trong đó diện tích cây đã và đang cho quả là trên 5.000 ha, trồng mới gần 2.200 ha, trong đó có gần 130 ha trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, năng suất gần 12 tấn/ha, cho sản lượng bưởi trên 60 nghìn tấn/năm. Diện tích trồng dừa của tỉnh là trên 70.000ha (chiếm 40% tổng diện tích trồng dừa của cả nước), trong đó, diện tích dừa xiêm xanh là gần 8.000ha.

Phát biểu tại Lễ công bố, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí cho biết, việc cấp CDĐL Bến Tre cho các sản phẩm Bưởi da xanh và Dừa xiêm xanh là cơ sở pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Qua đó thúc đẩy sự phát triển của các sản triển nông nghiệp nông thôn, của các doanh nghiệp, người dân trong trong việc áp dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm của địa phương trong quá trình phát triển.

Ông Đinh Hữu Phí cũng lưu ý, việc cấp CDĐL chỉ là bước đầu tiên trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bởi hầu hết quy mô sản xuất của các nông hộ nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất nhỏ bé, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều... Vì vậy, trên cơ sở định hướng tổng thể cho các sản phẩm chủ lực của địa phương, tỉnh Bến Tre cần xây dựng những giải pháp đồng bộ, hiệu quả về tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại phù hợp; cần có những chính sách hỗ trợ về nguồn lực để quản lý các chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã về nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động quảng bá, phát triển kênh thị trường cho người dân. 

Thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ đẩy nhanh việc xem xét cấp chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm tôm càng xanh thương phẩm và bò Ba Tri của tỉnh Bến Tre./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực