Hơn 120 báo cáo trình bày tại Hội nghị quốc tế LSCAC 2018

Thứ sáu, 25/05/2018 18:09
(ĐCSVN) - Sau 4 lần tổ chức, Hội nghị LSCAC đã trở thành một diễn đàn quốc tế cấp cao dành cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy và quản lý khoa học, giáo dục gặp gỡ, trao đổi học thuật, giới thiệu các công trình nghiên cứu khoa học hữu ích, những ý tưởng độc đáo và các ứng dụng nổi bật trong lĩnh vực khoa học kiến trúc, kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, môi trường.
Quang cảnh Hội nghị

Sáng 25/5, Trường đại học (ĐH) Sư phạm - ĐH Huế phối hợp Trường ĐH Quốc gia Malang Indonesia, ĐH Hyderabad, Ấn Độ và ĐH Mahasarakham, Thái Lan tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 5 về ngôn ngữ, xã hội và văn hóa trong bối cảnh châu Á (LSCAC 2018).

Hội nghị thu hút gần 100 đại biểu quốc tế đến từ 12 quốc gia và vùng lành thổ cùng hơn 160 đại biểu trong nước tham gia với hơn 120 bài báo khoa học được chọn trình bày.

Diễn ra trong 2 ngày (25 - 26/5), 120 bài báo khoa học được trình bày tại Hội nghị LSCAC 2018 sẽ tập trung vào các chủ đề: Kiến trúc xã hội của các quốc gia châu Á; các lĩnh vực văn hoá và ngôn ngữ; Toàn cầu hoá và cộng đồng bản địa trong bối cảnh châu Á; Các xu hướng triết học hiện đại; tôn giáo và các xã hội châu Á hiện đại; Văn học châu Á hiện đại; Giáo dục ở châu Á; Kinh tế của các nước châu Á; Quan hệ song phương và đa phương giữa các nước châu Á; An ninh xã hội, môi trường, dân số, biến đổi khí hậu ở châu Á; Quá trình hội nhập và tương lai của châu Á; Giảng dạy ngoại ngữ trong bối cảnh châu Á; Quá trình đô thị hoá và công nghiệp hóa ở khu vực Đông Nam Á...

Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ nghe 03 diễn giả chính là các giáo sư đến từ những trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, Ấn Độ, Indonesia.. trao đổi về các vấn đề thời sự và học thuật trong bối cảnh toàn cầu hoá giữa châu Á và thế giới.

TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Huế cho biết, Hội nghị LSCAC được tổ chức lần đầu tiên tại Đại học Hyderabad (Ấn Độ), vào năm 2008. Qua 5 lần tổ chức, Hội thảo LSCAC đã trở thành một diễn đàn quốc tế cấp cao dành cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy và quản lý khoa học, giáo dục, gặp gỡ, trao đổi học thuật, giới thiệu các công trình nghiên cứu khoa học hữu ích, những ý tưởng độc đáo và các ứng dụng nổi bật trong lĩnh vực khoa học kiến trúc, kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, môi trường...

Tại các kỳ hội nghị trước, các vấn đề như: Văn hoá, Ngôn ngữ, Văn học, Tôn giáo, Triết học, Kinh tế, Xã hội, Giáo dục, An ninh, Môi trường, Kiến trúc, Biến đổi khí hậu... của các quốc gia châu Á là những chủ đề được lựa chọn để tập trung thảo luận. Đây là những vấn đề không chỉ mang tính khu vực mà còn ở tầm quốc tế nên đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học có uy tín trên thế giới./.

Tin, ảnh: Phạm Hướng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực