Hơn 500 cá thể động vật hoang dã được giải cứu trong năm 2018 ​

Thứ ba, 12/02/2019 15:03
(ĐCSVN) - Trong năm 2018, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận 1,666 trường hợp vi phạm liên quan đến động vật hoang dã (ĐVHD). Theo đó, 521 cá thể ĐVHD đã được giải cứu nhờ thông báo từ người dân, cũng như sự hành động nhanh chóng, quyết liệt của các cơ quan chức năng có liên quan trong việc bắt giữ các đối tượng và tịch thu các tang vật.

 

Một cá thể mèo rừng bị nuôi nhốt tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: ENV)

64% trường hợp vi phạm liên quan đến hành vi quảng cáo, buôn bán trái phép ĐVHD

Theo đánh giá của một số chuyên gia, Việt Nam đang trở thành điểm nóng về buôn bán và sử dụng sản phẩm từ động, thực vật hoang dã. Nhiều vụ án buôn bán xuyên quốc gia với khối lượng lớn các sản phẩm từ ĐVHD đã bị phát hiện. Tình trạng sử dụng ngà voi, sừng tê giác và giết hại các loài hoang dã để phục vụ cho các bữa tiệc đã trở thành thói quen xấu trong sinh hoạt tiêu dùng của người dân.

Hậu quả của việc này là nhiều loài đang có nguy cơ tiệt chủng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học. Nhiều loài thú lớn là biểu tượng của nhiều vùng bị tuyệt chủng do áp lực khai thác, sử dụng bất hợp pháp như tê giác một sừng, hổ, bò xám, trâu rừng, hươu vàng và nhiều thú lớn khác.

Theo ghi nhận của ENV, việc quảng cáo, buôn bán trái phép các loài ĐVHD và các sản phẩm, bộ phận từ chúng là hành vi vi phạm phổ biến, chiếm 64% tổng số trường hợp vi phạm.

Không chỉ bày bán và quảng cáo ngay tại cửa hàng, quán ăn, nhiều đối tượng đã lợi dụng Internet để thực hiện hành vi buôn bán ĐVHD của mình nhằm thoát khỏi sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Chỉ tính riêng trong năm 2018, ENV đã ghi nhận gần 800 vụ vi phạm pháp luật về ĐVHD trên Internet với khoảng hơn 1,200 đường dẫn có dấu hiệu vi phạm. Đầu tháng 9/2018, Công an huyện Bá Thước, Thanh Hóa đã tiến hành tịch thu một bình rượu 12 lít ngâm 02 chân gấu bị quảng cáo trên Facebook. Ngay sau đó một tuần, hai đối tượng ở Phú Thọ cũng đã bị bắt giữ vì hành vi quảng cáo, buôn bán một bình rượu ngâm 02 chân tay gấu.

Cũng theo ENV, việc nuôi nhốt, tàng trữ trái phép các loài ĐVHD và các sản phẩm, bộ phận của chúng hiện vẫn rất phổ biến, đặc biệt đối với các loài khỉ, rùa, tiêu bản các loài gấu, hổ, rùa biển hay rượu ngâm nhiều loài ĐVHD khác.

Giải cứu ĐVHD chỉ bằng một cuộc gọi đến đường dây nóng miễn phí 1800-1522

Ngày nay, cộng đồng đang có sự thay đổi tích cực trong nhận thức về công tác bảo vệ ĐVHD ở Việt Nam. Không chỉ chủ động tìm hiểu thông tin về thực trạng các loài ĐVHD, cam kết không sử dụng ĐVHD và các sản phẩm từ chúng, người dân cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các nỗ lực đấu tranh với tội phạm về ĐVHD.

Trong năm 2018, đường dây nóng 1800-1522 của ENV đã ghi nhận 819 trường hợp vi phạm liên quan đến ĐVHD được người dân thông báo. 65.5% trong số này đã được xử lý thành công, cao hơn nhiều so với mức 48% trong năm 2017. Trung bình mỗi ngày, Phòng Bảo vệ Động vật hoang dã của ENV tiếp nhận 3,3 trường hợp vi phạm mới thông qua đường dây nóng 1800-1522.

Bên cạnh đó, trong năm 2018 vừa qua, nhiều người dân đã tự nguyện chuyển giao các cá thể ĐVHD đang bị nuôi nhốt của mình, góp phần đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn tại các trung tâm cứu hộ cho 67 cá thể ĐVHD.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng trước sự tham gia tích cực của cộng đồng trong các nỗ lực bảo vệ ĐVHD, góp phần không nhỏ trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm về ĐVHD tại Việt Nam. Thông qua đường dây nóng 1800-1522, ENV hi vọng sẽ tiếp tục trở thành cầu nối giữa người dân và cơ quan chức năng để tiếp nhận thông tin về các vụ vi phạm cũng như các cá thể ĐVHD được tự nguyện chuyển giao.”

Để ngăn chặn hành vi buôn bán ĐVHD trái phép, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 379/BTNMT-TCMT đề nghị các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh kiểm soát việc buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã nguy cấp và phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại…   Cụ thể, Bộ yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các sản phẩm của chúng; không thực hiện phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại. Chỉ đạo các cơ quan thực thi pháp luật như: Kiểm lâm, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, công an tăng cường phối hợp liên ngành, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với các nhà hàng, cơ sở kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp; hoạt động phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông, các ban, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân về bảo tồn đa dạng sinh học, động vật hoang dã, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực