Khoa học công nghệ góp trên 30% giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp

Thứ sáu, 18/01/2019 19:06
(ĐCSVN) – Khoa học và công nghệ đã giúp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm; đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực này.


Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Bích Liên)

Ngày 18/01, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Họp báo thường kỳ Quý IV năm 2018 nhằm cung cấp thông tin về các kết quả hoạt động của Bộ trong Quý IV/2018, kế hoạch hoạt động Quý I/2019.

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết: Trong Quý IV/2018, Bộ đã triển khai nhiều chính sách, pháp luật về KH&CN như: Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành; Quyết định số 1594/QĐ-TTg ngày 16/11/2018 về việc thành lập Phân ban Việt Nam trong Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ về năng lượng nguyên tử…

Bộ cũng chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động nhằm tiếp tục triển khai các nhiệm vụ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt về lĩnh vực ứng dụng KH&CN nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đã đạt hiệu quả cao, đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp; góp phần làm thay đổi tập quán canh tác và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế nông nghiệp. 5 năm qua, Bộ NN&PTNT đã giới thiệu, chuyển giao vào sản xuất được 105 quy trình công nghệ; xây dựng 85 mô hình ứng dụng KH&CN và 50 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ…Đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp được hình thành và phát triển; nhiều tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào các chuỗi nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ như rau an toàn, hoa quả, cà phê, chè, thuỷ sản và nhóm hàng hoá khác như VinEco, TH True milk, Tập đoàn Việt Úc, Tập đoàn Lộc Trời... 

Trả lời báo chí về vấn đề thu hút nguồn lực xã hội phát triển và ứng dụng công nghệ, đồng chí Lê Xuân Định, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ KH&CN, cho biết: Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia được đưa vào hoạt động với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên số vốn điều lệ không phải được Nhà nước cấp một lần mà cấp theo đề xuất và nhu cầu thực tế. Thời gian qua, Quỹ đã tiếp nhận khoảng 1.000 đề xuất và trên cơ sở đó Quỹ đã "sàng lọc" khoảng 300 dự án có tính khả thi và lựa chọn được 90 dự án đưa vào xem xét phê duyệt. Tính đến thời điểm hiện có khoảng 30 dự án đã và đang triển khai hoạt động, ngoài ra các dự án khác đang chờ triển khai.

Đồng chí Lê Xuân Định cũng cho biết, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia là mô hình hoạt động hoàn toàn mới bởi đối tượng của Quỹ chính là doanh nghiệp, khác với trước đây là viện nghiên cứu và các trường đại học nên quá trình nghiên cứu và hoàn thiện chính sách và quy định liên quan cho đối tượng thực thi nhiệm vụ với mục tiêu chính là đổi mới công nghệ phải qua nhiều khó khăn khi vừa đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu quản lý sử dụng tài chính và tài sản nhà nước.

Đặc biệt, hình thức và nhiệm vụ của Quỹ cấp cho các doanh nghiệp là hình thức tài trợ có đối ứng nghĩa là Nhà nước chỉ cung cấp một phần kinh phí , còn phần kinh phí chính để thực hiện dự án chính là từ phía doanh nghiệp.

Vì vậy, đây là một trong những mô hình huy động được nguồn lực xã hội cho đổi mới công nghệ, tuy nhiên do nguồn kinh phí của Nhà nước không đầu tư dàn trải nên chỉ đầu tư cho "nội hàm" phát triển và ứng dụng công nghệ chứ không tập trung vào đổi mới công nghệ. Đây là sự khác biệt với các chương trình, nhiệm vụ quốc gia khác.

Liên quan đến cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ KH&CN cho biết, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, Bộ KH&CN đã rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực