Kiểm định chất lượng giáo dục đại học sẽ tạo động lực nâng cao việc dạy và học

Thứ ba, 14/02/2017 15:35
(ĐCSVN)- Tại buổi tọa đàm do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức mới đây, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT đã có những chia sẻ để làm rõ hơn mục tiêu và giải pháp về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư mới đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến rộng rãi.

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT

PV: Thưa PGS.TS Mai Văn Trinh, điểm mới của Dự thảo đó là bộ tiêu chuẩn được xây dựng trên cơ sở Bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục do Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA) công bố tháng 6/2016, điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của Việt Nam?

PGS. TS Mai Văn Trinh: Sự chuyển đổi từ bộ công cụ hiện hành sang bộ công cụ mới là tất yếu và phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục đại học. Bộ công cụ hiện hành về cơ bản khá toàn diện, tuy nhiên với bộ công cụ mới đang dự thảo sẽ đề cập rất toàn diện đến các hoạt động của nhà trường.

Ở đó, có sự nhấn mạnh vào các trọng tâm. Ví dụ, bộ công cụ hiện hành nhấn mạnh vào hoạt động nghiên cứu, bộ công cụ mới nhấn mạnh vào yếu tố phục vụ cộng đồng. Đó là sự hài lòng của các bên liên quan về cơ sở giáo dục đại học đó. Để có sự hài lòng của các bên liên quan, cũng thể hiện sự giám sát của xã hội với cơ sở giáo dục đại học, thì để khẳng định được mình bản thân các cơ sở giáo dục đại học phải có sự chuyển đổi, đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Đặc biệt bộ công cụ mới nhấn mạnh tới tính hệ thống đảm bảo chất lượng, cụ thể hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của nhà trường hoạt động thế nào để các điều kiện đảm bảo chất lượng phát huy hiệu quả. Trong đó từng bước hình thành văn hóa chất lượng trong nhà trường.

Nếu tất cả các trường đại học ở Việt Nam vận hành, đánh giá theo bộ công cụ mới thì đòi hỏi phải có sự chuyển đổi từ nội tại của nhà trường một cách toàn diện có mục tiêu, có định hướng, hướng tới sự hài lòng của các bên liên quan, trước hết là sự hài lòng của sinh viên, gia đình và xã hội. Và đây là xu hướng đúng.

Hệ thống này khi được đưa vào đánh giá sẽ tạo động lực cho các nhà trường, chất lượng nguồn nhân lực được tăng lên.

PV: Thưa PGS. TS Mai Văn Trinh, để chuẩn bị cho công tác kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục đại học, ông có thể cho biết hiện nay, Bộ đã thành lập bao nhiêu trung tâm, và số lượng trung tâm đó có đáp ứng được yêu cầu  kiểm định cho hàng trăm các trường ĐH như hiện nay không?

PGS. TS Mai Văn Trinh: Hiện nay, có 4 trung tâm kiểm định chất lượng được thành lập và đã đi vào hoạt động: Trung tâm KĐCL ĐH Quốc gia Hà Nội, Trung tâm KĐCL ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trung tâm KĐCL ĐH Đà Nẵng, Trung tâm KĐCL Hiệp hội ĐH, CĐ Việt Nam.

Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự nỗ lực của các trung tâm trong thời gian qua. Là một mô hình mới, ngay sau khi được cấp phép hoạt động, các đơn vị được sự hỗ trợ của các đơn vị chủ quản, đã rất nỗ lực cùng Bộ GD&ĐT, đến nay đã đánh giá ngoài 32 cơ sở GDĐH. Hiện nay với quy mô 270 trường ĐH, chu kỳ kiểm định là 5 năm, vậy 1 năm chúng ta phải đánh giá 50-60 trường.

Với nguồn lực là 4 trung tâm như hiện nay, với sự cố gắng nỗ lực chúng ta cũng có thể hoàn thành được. Tuy nhiên để đẩy nhanh tiến độ này, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có một số giải pháp.

Trước hết là sẽ có những giải pháp hỗ trợ cho các trung tâm này mạnh thêm lên, hoạt động hiệu quả hơn. Thứ hai là xem xét nếu đáp ứng các yêu cầu có thể thành lập thêm một số trung tâm mới phù hợp với nhu cầu đánh giá, nhu cầu của các hoạt động hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Và đặc biệt là phải đáp ứng được yêu cầu đối với bản thân trung tâm đó. Đồng thời song song với việc tiến hành kiểm định chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn và do các trung tâm trong nước tiến hành, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trường, các chương trình đào tạo tiến hành đánh giá ngoài theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Bằng cách vận hành như vậy, tôi cho rằng với lộ trình và sự vào cuộc, đồng bộ từ Bộ GD&ĐT, các trung tâm, hệ thống các trường đại học, hoạt động của chúng ta sẽ có sự chuyển biến và đạt được tiến độ đề ra.

PV: Kết quả kiểm định chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học có được công bố công khai hay không? Nếu công khai thì một trường đại học nào đó không đạt chất lượng thì có ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh của trường đó hay không?

PGS. TS Mai Văn Trinh: Việc công khai trong kiểm định chất lượng là điều bắt buộc trong một quy trình đã được ghi trong luật, do đó sẽ được công khai. Đương nhiên kết quả đó sẽ tác động đến quá trình phát triển của nhà trường (cụ thể là tuyển sinh), việc tác động này sẽ theo hai phía; nếu như kết quả kiểm định là tốt thì kết quả là tích cực và ngược lại. Chúng ta đang ở trong xã hội cởi mở và các trường đại học phải dần dần tự chủ trên chính nội lực của mình, tự chủ đó phải gắn với trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình.

Việc công khai này để cho học sinh, phụ huynh và xã hội giám sát, đặc biệt là các em học sinh chuẩn bị vào học biết được trường mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào và cảm thấy có phù hợp với nguyện vọng của mình hay không. Chính vì vậy, việc công khai kiểm định chất lượng là có lợi cho trường chứ không phải là không có lợi.

PV: Kỳ thi THPT quốc gia có liên quan gì tới việc đánh giá, kiểm định chất lượng đại học hay không. Tại sao các trường phải công khai đăng ký trong Đề án tuyển sinh của mình, các điều kiện cần công khai là gì? Bộ sẽ giao cho đơn vị vào thẩm định độc lập để đảm bảo tính khách quan?

PGS. TS Mai Văn Trinh: Tuyển sinh là một khâu rất quan trọng đối với một cơ sở giáo dục đại học, và chất lượng đầu vào là một yếu tố quan trọng đến chất lượng đào tạo của nhà trường. Không phải năm 2017 mới đề cập tới chuyện này, từ lâu này Bộ đã từng bước một cách hợp lí yêu cầu các trường công khai thông tin vào mục đích khác nhau, trong đó có mục đích tuyển sinh.

Yếu tố đảm bảo chất lượng trong nhà trường có nhiều yếu tố, nhưng năm 2017 trong các đề án  tuyển sinh Bộ sẽ yêu cầu công khai những yếu tố cốt lõi nhất, cơ bản nhất. Như công khai đội ngũ cán bộ của nhà trường như thế nào, cơ cấu đội ngũ giảng viên, trình độ chuyên ngành; điều kiện cơ sở vật chất liên quan tới quá trình đào tạo như diện tích phòng học, thư viện, cơ sở phòng thí nghiệm, thực hành...

Việc công bố như trên sẽ có lợi cho các trường, Bộ cũng khuyến khích các trường ngoài các yếu tố cơ bản trên tiếp tục công bố những điều kiện đảm bảo chất lượng khác. Từ năm 2018 phải công bố đầy đủ, trong đó tập trung vào tỷ lệ sinh viên có việc làm khi ra trường. Việc công bố công khai là một bước quảng cáo hiệu quả mà lâu nay các trường không biết cách làm, đây là cơ hội cho các trường.

Vậy làm việc đó như thế nào, trước hết các trường tự công bố, nhưng Bộ sẽ giao cho 4 trung tâm kiểm định thông qua các mục tiêu, phương thức, cách làm cụ thể để thẩm định và xác thực. Cách làm sẽ có quy mô, nguyên tắc, chuyên nghiệp, quy trình với những yêu cầu kĩ thuật cụ thể. Do đó, việc công khai của các trường cũng cần phải trách nhiệm và đáng tin cậy cho học sinh và xã hội. Nếu các trường làm không đúng thì thông qua đó Bộ sẽ xử lí và kết quả xử lí đó sẽ công khai với xã hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./. 

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực