Làm khoa học phải xuất phát từ tình yêu và niềm đam mê công việc

Thứ ba, 22/05/2018 16:46
(ĐCSVN) – Tâm huyết, say mê trong nghiên cứu, PGS.TS Phạm Văn Hùng và nhóm cộng sự đã tạo ra được các loại tinh bột có chỉ số đường huyết trung bình và thấp. Đây là tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng ở Việt Nam để phòng, chống các bệnh mãn tính của con người và đặc biệt dùng cho các bệnh nhân tiểu đường và béo phì.

PGS.TS. Phạm Văn Hùng. (Ảnh: Thanh Hùng)

Ngày 18/5/2018, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018. PGS.TS Phạm Văn Hùng (44 tuổi, Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) - tác giả chính của công trình "Khả năng tiêu hóa in vitro và sinh đường in vico của các loại tinh bột gạo có hàm lượng amylose khác nhau và tinh bột gạo biến đổi bằng phương pháp vật lý" là một trong 3 nhà khoa học vinh dự được nhận giải thưởng năm nay.

Công trình của PGS.TS Phạm Văn Hùng nghiên cứu về mối liên quan giữa cấu trúc phân tử của tinh bột gạo và khả năng tiêu hóa in vitro, khả năng sinh đường in vivo nhằm tìm ra cơ chế kháng lại sự thủy phân của tinh bột đối với hệ enzim tiêu hóa trong cơ thể người. Đồng thời, nghiên cứu sự thay đổi cấu trúc, chỉ số đường huyết của các loại tinh bột gạo ở Việt Nam khi tiến hành biến đổi cấu trúc của chúng bằng phương pháp vật lý sử dụng nhiệt và ẩm.

Bằng các phương pháp xử lý trong công trình này, nhóm nghiên cứu đã tạo ra được các loại tinh bột có chỉ số đường huyết ở mức trung bình và thấp. Đây là tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng ở Việt Nam để phòng chống các bệnh mãn tính của con người và đặc biệt dùng cho các bệnh nhân tiểu đường và béo phì.

Công trình được đánh giá cao khi được chấp nhận công bố trên Food Chemistry - một tạp chí khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và sinh học.

Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa cả về mặt khoa học và ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực công nghệ sinh học, khoa học dinh dưỡng, công nghệ thực phẩm và chuyên ngành Hóa hữu cơ.

Chia sẻ về thành công của công trình, PGS.TS Phạm Văn Hùng cho biết: Việt Nam là một nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới cũng như hàng ngàn các loại cây thuốc quý hiếm. Trong khi đó tỷ lệ các bệnh mãn tính như tiểu đường, béo phì, tim mạch, ung thư ở Việt Nam đang ngày càng trở lên trầm trọng.

“Do đó, với tôi, nhiệm vụ của một nhà khoa học trong lĩnh vực Sinh học nông nghiệp là phải nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu của mình để cho ra những sản phẩm có giá trị phục vụ sức khỏe cộng đồng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, không chỉ được ăn ngon, mặc đẹp mà còn ăn để khỏe, ăn để chữa bệnh. Ở thời đại công nghiệp 4.0, người dân có quyền được biết thông tin về giá trị dinh dưỡng, về truy xuất nguồn gốc, về mức độ an toàn của các sản phẩm thực phẩm và dược phẩm”, PGS.TS Phạm Văn Hùng cho biết.

Đối với PGS.TS Phạm Văn Hùng, là một nhà khoa học, mỗi công trình nghiên cứu, dù là cơ bản hay ứng dụng, để có được các kết quả xuất sắc, đều phải xuất phát từ tình yêu và niềm đam mê công việc. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cần được tự chủ trong nghiên cứu để được tự do sáng tạo.

Anh cũng cho biết, vừa qua việc thành lập và triển khai mô hình tài trợ đề tài nghiên cứu khoa học qua quỹ Nafosted của Bộ Khoa học và Công nghệ với đặc điểm nổi bật là sự công bằng và tính minh bạch trong quá trình xét chọn, nghiệm thu và thanh quyết toán đề tài đã được các nhà khoa học đánh giá cao. Các nhà nghiên cứu trẻ có năng lực đã không còn băn khoăn làm thế nào để có được kinh phí nghiên cứu. Nhờ đó, số lượng công bố khoa học của Việt Nam trên các tạp chí thuộc danh mục ISI đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua.

“Chúng tôi mong muốn Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đổi mới các cơ chế, chính sách để phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước và tăng tính tự chủ trong công tác nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao và có các công bố khoa học xuất sắc; mong muốn có điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kết hợp chặt chẽ với các nhà khoa học để đưa những ý tưởng, những kết quả nghiên cứu trở thành các sản phẩm ứng dụng trong thực tế”, PGS.TS. Phạm Văn Hùng chia sẻ./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực