Làm rõ 5 vấn đề về giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng

Thứ năm, 27/12/2018 17:23
(ĐCSVN) - Đó là những vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức ngày 27/12.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 3 điểm cầu: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng và Trường ĐH Hồng Bàng TP Hồ Chí Minh.

Điểm cầu tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: VA)

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 1501, đã đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu như: Đã có 100% học sinh, sinh viên (HSSV), thanh thiếu niên được học tập các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (Chỉ tiêu trong Đề án là 100% giai đoạn 2015-2020).

Đã có 455.714 đoàn viên được kết nạp Đảng trong các năm 2015 - 2017 (Chỉ tiêu trong Quyết định 1501 là 650.000 giai đoạn 2015-2020, đạt 70% so với cả giai đoạn).

Đã có 85% đội ngũ làm công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng được thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ (Chỉ tiêu trong Đề án là 100% giai đoạn 2015-2020)...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá: Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 1501, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng của các bộ, ngành và các địa phương, đặc biệt là trong ngành Giáo dục và tổ chức Đoàn Thanh niên đã có chuyển biến nhất định; sự phối hợp giữa ngành Giáo dục với các Bộ, ngành và địa phương trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy được trách nhiệm.

Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng được gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; được cụ thể hóa thành nhiều chương trình, kế hoạch thiết thực, phù hợp với điều kiện địa phương, vùng miền, lứa tuổi, cấp học, ngành nghề đào tạo. Năng lực đội ngũ cán bộ, nhà giáo, cán bộ làm công tác Đoàn, Hội, Đội được nâng lên, bước đầu phát huy hiệu quả trong tổ chức thực hiện giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong chương trình chính khóa và các hoạt động ngoại khóa...

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thẳng thắn chỉ rõ, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên nhi đồng vẫn còn nhiều hạn chế bất cập: Một bộ phận thanh thiếu niên thiếu bản lĩnh dễ bị lôi kéo, tham gia tệ nạn xã hội. Việc kiểm soát, ngăn chặn tác động tiêu cực đến tư tưởng, chính trị của thanh thiếu niên, đặc biệt là trên Internet rất khó khăn, đòi hỏi sự đầu tư về nguồn lực và sự phối hợp hiệu quả. Hoạt động chưa đáp ứng được hết nhu cầu vật chất, tinh thần của thanh thiếu niên; một số nơi công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống vẫn chung chung, hình thức, chưa có hành động thiết thực; sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường chưa chặt chẽ...

Để khắc phục những hạn chế này, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ 5 vấn đề: Thứ nhất, tình hình tư tưởng chính trị và công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với HSSV. Làm thế nào để phát huy vai trò tích cực của mạng xã hội trong công tác quản lý, giáo dục HSSV.

Thứ hai, việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HSSV.

Thứ ba, vai trò của tổ chức Đoàn, Hội, Đội và các phong trào thi đua của tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong trường học đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống HSSV.

Thứ tư, công tác phát triển Đảng trong HSSV hiện nay.

Thứ năm, công tác phối hợp giữa gia đình-nhà trường -xã hội trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HSSV./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực