Lào Cai tích cực nâng cao chất lượng xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau biết chữ

Chủ nhật, 19/05/2019 09:25
(ĐCSVN) - Công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ nhằm hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Vì vậy, những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng công tác này.
Lớp học xóa mù chữ tại xã Hợp Thành (TP Lào Cai). Ảnh: HM

Những kết quả quan trọng

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, triển khai Đề án “Xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015-2020”, tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch triển khai tới các địa phương và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh phối hợp thực hiện nhằm đạt mục tiêu kế hoạch tăng tỉ lệ người biết chữ. Một trong những biện pháp thiết thực hiệu quả là công tác điều tra, thống kê, khảo sát người mù chữ trên địa bàn, nắm rõ thông tin cụ thể của từng cá nhân, từng hộ gia đình làm căn cứ xây dựng kế hoạch xóa mù chữ ở từng địa phương trên địa bàn tỉnh đã được Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục - xóa mù chữ, Trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện quyết liệt nhằm huy động tối đa người mù chữ ra lớp.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục đã tập huấn cho lãnh đạo, cán bộ phụ trách xóa mù chữ của các trung tâm học tập cộng đồng, giáo viên. Trong đó, chú trọng tập huấn nâng cao hiệu quả công tác vận động người mù chữ ra lớp, duy trì tỉ lệ chuyên cần, đổi mới phương pháp dạy học xóa mù chữ cho người lớn...; chú trọng công tác biên soạn tài liệu theo đúng chương trình giáo dục, phù hợp với đối tượng; sau khi học xong chương trình học viên có những kiến thức, kỹ năng cơ bản để vận dụng trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đồng thời, các trung tâm học tập cộng đồng ở các huyện đã phối hợp với các đơn vị mở các lớp học nghề, các lớp học chuyên đề về chăn nuôi, trồng trọt, y tế, tuyên truyền pháp luật, các hoạt động văn hóa thể dục thể thao cho người dân trên địa bàn trong đó chú trọng giúp người mới biết chữ có tài liệu đọc hấp dẫn, thiết thực, củng cố kỹ năng đọc, viết, hạn chế mù chữ trở lại.

Quan sát thực tế cho thấy, các lớp học xóa mù chữ được tổ chức tập trung chủ yếu vào buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định) để không ảnh hưởng đến công việc gia đình của học viên. Giáo viên phụ trách học viên xóa mù chữ các thôn luôn tranh thủ kèm cặp, dạy thêm cho học viên vào những khoảng thời gian học viên ở nhà; hướng dẫn học sinh lớp 5 và học sinh cấp trung học cơ sở hướng dẫn tự học ở nhà cho người thân, hàng xóm vào các ngày nghỉ... Vì vậy, chất lượng học tập của học viên các lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cơ bản đảm bảo, đạt yêu cầu tối thiểu của chương trình; trên 99% hoàn thành chương trình xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

Trong đó, nhiều huyện rất quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; nêu cao vai trò của Bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, trưởng bản vào cuộc huy động người mù chữ ra lớp, tạo sự chuyển biến rõ rệt và thành phong trào sâu rộng; điển hình là các huyện Sa Pa, Bảo Yên và Mường Khương, thành phố Lào Cai. Nhiều trung tâm học tập cộng đồng đã mở lớp xóa mù chữ lấy thôn làm nòng cốt, trưởng thôn trực tiếp tham gia công tác huy động người mù chữ ra lớp, quản lý lớp nên đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nề nếp, chất lượng như xã Nậm Sài, Thanh Kim (huyện Sa Pa), xã Bản Lầu, Nấm Lư (huyện Mường Khương)...

Thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến nay, công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ trong tỉnh đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề án: toàn tỉnh đã mở được 154 lớp xóa mù chữ, tăng 32,8% so kế hoạch; đã xóa mù chữ cho trên 10 nghìn người trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi (gồm cả xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ), nâng tỉ lệ biết chữ của người biết chữ trong độ tuổi 15 đến 60 đạt 93,89% (mục tiêu Đề án đến 2020 tỉ lệ là 94%); nâng tỉ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ mức độ 1 lên 93,89%, mức độ 2 đạt 96,72%.

Những con số trên đã phần nào thể hiện được sự hiệu quả của công tác xoá mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận đó, các cấp, ngành, trong đó chủ chốt là ngành giáo dục đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả. Điển hình công tác tuyên truyền về xoá mù chữ được ngành giáo dục và các địa phương tập trung triển khai thông qua các kênh thông tin đại chúng, pano, áp phích trực quan, sinh động, dễ hiểu. Các phòng Giáo dục các địa phương cũng đã phối hợp tốt với Đoàn thanh niên, các đơn vị lực lượng vũ trang cùng tham gia dạy xoá mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ. Ngành giáo dục và các địa phương cũng tích cực huy động nguồn lực xã hội hoá trong thực hiện công tác xoá mù chữ. Các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm văn hoá thể thao ở các địa phương luôn được tận dụng, huy động tối đa hiệu năng hoạt động…

Nỗ lực vượt khó

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn còn khó khăn, hạn chế: Điều đáng quan tâm là nhận thức về giáo dục và đào tạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở ở một số xã vùng cao chưa đầy đủ; năng lực chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện của một số trung tâm học tập cộng đồng còn hạn chế; thiếu các giải pháp mới, hiệu quả, cá biệt có nơi quyết tâm chưa cao, chỉ đạo thiếu quyết liệt trong công tác xóa mù chữ; người mù chữ phần lớn là người dân tộc thiểu số, lớn tuổi, là lao động chính trong gia đình nên không có nhiều thời gian dành cho học tập...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, đánh giá kết quả đạt được đảm bảo thực chất; theo ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, trong giai đoạn 2019-2020 và những năm tiếp theo, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về mục đích, tầm quan trọng của việc thực hiện các mục tiêu xóa mù chữ đối với việc nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Chú trọng nâng cao năng lực, hiệu lực chỉ đạo, hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; nhất là trong khâu xây dựng kế hoạch, duyệt và giao kế hoạch mở lớp xóa mù chữ; lấy thôn làm đơn vị chủ yếu để chỉ đạo điều tra, mở lớp, duy trì nề nếp; phát huy vai trò trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, bản, tổ dân phố trong tổ chức mở lớp xóa mù chữ.

Thực hiện giảng dạy xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ sát thực tế, phù hợp với công việc, tập quán của đồng bào vùng cao, người dân tộc thiểu số sinh sống rải rác ở các thôn bản. Nhân rộng các mô hình “con cháu dạy cho bố mẹ, ông bà”, lựa chọn học sinh tình nguyện vận động và giúp đỡ bố mẹ, anh chị, hàng xóm học tại nhà. Đổi mới phương pháp dạy học đối với người lớn, dạy học gắn với nhu cầu học chữ để ứng dụng trong cuộc sống của nhân dân để biết đọc được sách, báo, sử dụng điện thoại, tính toán làm ăn kinh doanh...

Tích cực phối hơp với Hội phụ nữ, Hội khuyến học, Đoàn thanh niên và Bộ đội biên phòng để mở và giảng dạy các lớp xóa mù chữ, hỗ trợ học viên nghèo vượt khó và đánh giá học tập cộng đồng cấp xã. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, tạo sự đồng thuận, ủng hộ về tinh thần, vật chất của nhân dân.

Tin rằng, với những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ ở Lào Cai sẽ tiếp tục duy trì và phát huy trong những năm tiếp theo, góp phần đưa Lào Cai giữ vững vị thế là tỉnh đạt chất lượng giáo dục, đào tạo toàn diện trong khu vực./.

Nguyễn Thị Hồng Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực