Lựa chọn một số vấn đề cốt lõi để sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục

Thứ tư, 30/05/2018 17:47
(ĐCSVN) - Đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học (GDĐH) nhằm khắc phục bất cập, hạn chế của Luật hiện hành.

Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị rà soát toàn diện, nhưng lựa chọn một số vấn đề cốt lõi để sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật một cách căn cơ hơn, đáp ứng yêu cầu: chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

 

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (tỉnh Tây Ninh) phát biểu ý kiến. Ảnh: VA

 

Cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, đại biểu Hồ Thị Minh (tỉnh Quảng Trị) băn khoăn trong dự thảo Luật quy định mỗi môn học có thể có nhiều sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập. Đại biểu đề nghị cân nhắc, thận trọng khi đưa quy định này vào Luật Giáo dục.

 

Đại biểu lý giải: Chúng ta đều biết rằng sách giáo khoa là loại sách cung cấp kiến thức, được biên soạn với mục đích dạy và học tại trường học phổ thông, là một loại sách chuẩn. Mặc dù trên thế giới hiện nay tại nhiều quốc gia có nhiều loại sách giáo khoa cho một môn học, tuy nhiên mục tiêu giáo dục, nguyên lý, tính chất giáo dục của nước ta không hoàn toàn giống với các nước khác và với thực tiễn của nền giáo dục nước ta hiện nay, nếu đưa quy định này vào Luật thì sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, thẩm định, duyệt nội dung sách giáo khoa.

 

Thêm vào đó, nếu cơ sở giáo dục được tùy ý lựa chọn sách giáo khoa để giảng dạy, học tập thì sẽ đáp ứng được tính tự chủ cao và tiêu chí giảng dạy của nhà trường nhưng liệu có đảm bảo tính thống nhất, đảm bảo mặt bằng chung hiện nay giữa các vùng miền, tạo được nền giáo dục chuẩn của quốc gia, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) tán thành với việc nâng trình độ giáo viên. Tuy vậy đối với giáo viên tiểu học, nhiều đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi của phương án nâng chuẩn trình độ đào tạo từ trung cấp lên đại học. Đại biểu Thanh Quang cho rằng nó sẽ tác động rất lớn đến các mặt đời sống xã hội, làm thiếu hụt giáo viên đối với bậc tiểu học. Bên cạnh đó, chưa có số thống kê giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở xuống. Và khi tốt nghiệp ra trường số này sẽ không xin được việc làm. Như vậy số sinh viên ra trường tiếp tục thất nghiệp sẽ tăng cao hơn so với hiện nay.

 

“Có nhất thiết phải nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học lên 2 bậc học như Dự thảo hay không? Cần phải tính toán lại lộ trình, đáp ứng tình hình chung của đất nước”- đại biểu Nguyễn Thanh Quang nêu.

 

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) và nhiều đại biểu khác đồng tình cân nhắc nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học vì hiện nay, còn đến 40% (khoảng 160.000) số giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở xuống, trong đó chủ yếu tập trung ở các địa bàn khó khăn, thiếu giáo viên. Đại biểu cho rằng, giáo viên bậc tiểu học có bằng đại học thì rất tốt, nhưng chỉ cần chuẩn hóa nâng hóa trình độ đào tạo từ trung cấp lên cao đẳng là đủ. Do vậy, cần đánh giá đầy đủ hơn tình hình thực tiễn, xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi.

 

Ngoài ra, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cũng tán thành với đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng tín dụng sư phạm để thực hiện chính sách theo đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi với đối tượng làm việc trong ngành giáo dục. Với đề xuất này thì khi sinh viên sư phạm ra trường được làm đúng ngành nghề thì vẫn không phải đóng học phí, không như hiện nay, nhiều sinh viên sư phạm ra trường làm không đúng ngành nghề nên gây lãng phí ngân sách nhà nước.

 

Thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, đại biểu Hồ Thị Minh (tỉnh Quảng Trị) cho ý kiến về tiêu chuẩn Hiệu trưởng. Luật kế thừa các tiêu chuẩn của Hiệu trưởng theo Luật GDĐH  năm 2012 và chỉ bổ sung thêm quy định: “đối với cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, hiệu trưởng khi bổ nhiệm không quá 65 tuổi”. Về vấn đề tiêu chuẩn “có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học ít nhất 05 năm từ cấp khoa, phòng, ban trở lên”.

 

Đại biểu dẫn chứng, liên quan đến việc Giáo sư Trương Nguyện Thành rất thành danh ở Mỹ, về công tác tại ĐH Hoa Sen với vị trí Phó hiệu trưởng điều hành từ năm 2016 và được Hội đồng quản trị nhà trường đánh giá, tín nhiệm cao nhưng do không đủ 05 năm kinh nghiệm nên không thể bổ nhiệm vị trí Hiệu trưởng nên trong thời gian gần đây có rất nhiều luồng ý kiến, trong đó có nhiều ý kiến của các chuyên gia ngành giáo dục tỏ ra không đồng tình với tiêu chuẩn này, xem đây là tiêu chuẩn cứng nhắc, lạc hậu làm mất đi cơ hội sử dụng nhân tài.

 

“Cần giảm số năm kinh nghiệm hay phải có quy định trường hợp đặc biệt. Vì vậy, tại dự thảo Luật này tôi đề nghị cần cân nhắc, xem xét lại quy định này để đảm bảo sự phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học trong công tác lựa chọn, bố trí nhân sự, đặc biệt là trong giai đoạn chúng ta đang đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ đại học như hiện nay”- đại biểu Hồ Thị Minh chia sẻ./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực