Mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2017

Thứ năm, 08/06/2017 15:51
(ĐCSVN) – Ngày 8/6, tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã long trọng tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới (8/6/2017).
 Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã dự và phát biểu tại Lễ mít tinh.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Lễ mít tinh sáng 8/6. Ảnh: Việt Hùng.

Theo Bộ TN&MT, biển và đại dương chiếm 2/3 diện tích của Trái Đất, là nguồn sống vô cùng quan trọng của con người. Đại dương tạo ra hơn 50% lượng ô-xy chúng ta hít thở hàng ngày; cung cấp nguồn thực phẩm, thuốc chữa bệnh phục vụ cuộc sống của chúng ta. Đại dương còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều hòa khí hậu cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội của không chỉ các quốc gia có biển.

Tuy nhiên, biển và đại dương đang bị đe doạ nghiêm trọng, chủ yếu do hoạt động của con người. 30% cá nước mặn đang bị khai thác tận diệt, 20% số rạn san hô đã biến mất, một triệu chim biển và hàng trăm nghìn động vật biển đã chết vì do rác thải và ô nhiễm môi trường. Theo một số kết quả nghiên cứu cho thấy, tới năm 2050, lượng chất thải nhựa trên biển sẽ vượt cả số lượng cá. Biến đổi khí hậu và đại dương ấm lên khiến nước biển nhiễm axít hoá, tẩy trắng san hô, làm suy giảm đa dạng sinh học …

Tại Việt Nam, trong 10 năm thực hiện Chiến lược biển đến năm 2020, Việt Nam đã đạt được những thành tựu cơ bản, quan trọng về các mặt như: Phát triển kinh tế các vùng biển và ven biển; bảo đảm quốc phòng - an ninh, tăng cường hợp tác quốc tế và công tác đối ngoại về biển, đảo; phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ biển, tổ chức điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển; tăng cường bảo vệ môi trường biển và ven biển, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; đầu tư xây dựng kết cấu, hạ tầng vùng ven biển; xây dựng đồng bộ khuôn khổ pháp lý về biển và hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển và vùng ven biển…

Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng nói trên, song Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là: Việc phát triển kinh tế biển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam; vẫn còn tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường biển quá mức, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển; đã xảy ra và còn tiềm ẩn nguy cơ sự cố môi trường biển; công tác quản lý tài nguyên – môi trường biển còn tồn tại một số bất cập; nhận thức của xã hội trong việc bảo vệ môi trường biển còn chưa đồng đều…

Những hạn chế, thách thức kể trên, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực “đồng lòng, góp sức, chung tay” hơn nữa để bảo vệ chủ quyền, bảo đảm quốc phòng - an ninh và lợi ích quốc gia đồng thời khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam. Các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp và từng cá nhân trong cả nước phải hành động thiết thực để bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, các quyền và lợi ích quốc gia trên biển.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết: Năm 2017 là năm đánh dấu 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đây cũng là năm hướng tới kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), 35 năm ngày ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, 15 năm ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN và là năm Việt Nam đảm nhận vai trò chủ nhà Năm APEC 2017. Vì vậy, việc tổ chức Tuần lễ biển và hải đảo năm nay càng có ý nghĩa đặc biệt.

Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, hiện nay, ô nhiễm môi trường biển ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng, nhất là vùng biển ven bờ. Vì vậy, đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường biển. Không cấp phép các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, khai thác khoáng sản không gắn với chế biến sâu, lãng phí tài nguyên biển, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường biển. Việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường biển; chủ động phòng chống thiên tai; bảo vệ môi trường biển vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam. Điều này phải được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương có biển.

Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị, Bộ TN&MT cần sớm hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2017 - 2025 để trình Chính phủ và trình Quốc hội thông qua, tạo không gian biển theo giá trị tài nguyên, sinh thái nhằm phát triển bền vững các ngành kinh tế biển. Bên cạnh đó, cần rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội  vùng biển đảo, bảo đảm hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống, nhất là mạng lưới giao thông, hàng hải, khu phục vụ hậu cần nghề cá, điện, nước, giáo dục, y tế, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, thu gom và xử lý chất thải rắn, quy hoạch bảo vệ môi trường biển.

Tại Lễ mít tinh, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và các đại biểu đã thả tôm, cá giống xuống biển và trồng cây chắn cát./.

Nhằm tăng cường nhận thức của người dân trên toàn thế giới về tầm quan trọng của đại dương trong cuộc sống của nhân loại, cũng như để kêu gọi hành động nhằm bảo vệ đại dương, ngày 8/6 hàng năm được toàn cầu chính thức kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới.

Chủ đề của ngày Đại dương thế giới năm 2017 “Đại dương của chúng ta, tương lai của chúng ta” nhắc nhở chúng ta về vai trò to lớn của đại dương trong cuộc sống; về những tác động to lớn do chúng ta đã và đang gây ra đối với đại dương; sự cấp thiết cần phải phát động ngay những phong trào hành động vì đại dương trên toàn thế giới để tập hợp và tạo sức mạnh đoàn kết của con người nhằm bảo vệ đại dương, bảo vệ cuộc sống hành tinh của chúng ta. 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực