Môn Tự nhiên và xã hội sẽ tinh giản một số nội dung khó

Thứ hai, 22/01/2018 21:20
(ĐCSVN)- Môn Tự nhiên và xã hội trong chương trình giáo dục phổ thông mới được dạy ở các lớp 1, 2, 3 với thời lượng 70 tiết cho mỗi lớp học; tích hợp những kiến thức về thế giới tự nhiên và xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: VA

Môn học đóng vai trò quan trọng nhằm giúp học sinh học tập các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở các lớp 4, 5 của cấp tiểu học, đồng thời góp phần đặt nền móng ban đầu cho việc giáo dục về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

 

Môn Tự nhiên và xã hội nhấn mạnh các quan điểm như tích hợp những nội dung liên quan đến thế giới tự nhiên và xã hội, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của con người là cầu nối giữa tự nhiên và xã hội.

 

Tổ chức nội dung chương trình thành các chủ đề theo hướng mở rộng và nâng cao từ lớp 1 đến lớp 3; Tăng cường sự tham gia tích cực của học sinh vào quá trình học tập bằng cách giúp các em biết đặt câu hỏi, tham gia vào những hoạt động trải nghiệm có ý nghĩa để tìm kiếm câu trả lời.

 

Tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi điều tra, khám phá; Hướng dẫn học sinh thể hiện việc học tập của cá nhân và nhóm thông qua các sản phẩm học tập; khuyến khích học sinh vận dụng được những điều đã học vào đời sống.

 

Nội dung môn Tự nhiên và xã hội gồm 6 chủ đề: là gia đình, trường học, cộng đồng địa phương, thực vật và động vật, con người và sức khoẻ, Trái Đất và bầu trời.

Mỗi chủ đề đều thể hiện mối liên quan, sự tương tác giữa con người với các yếu tố tự nhiên và xã hội trên cơ sở giáo dục giá trị và kỹ năng sống; giáo dục các vấn đề liên quan đến việc giữ gìn sức khoẻ, bảo vệ cuộc sống an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai ở mức độ đơn giản và phù hợp.

 

So với chương trình hiện hành, chương trình Tự nhiên và xã hội mới tinh giản một số nội dung khó hoặc sẽ được học ở ngay các lớp đầu của cấp trung học cơ sở, đồng thời cập nhật hoặc đưa vào một số nội dung mới thiết thực với học sinh.

 

Chẳng hạn như, môn học sẽ không dạy các nội dung về đơn vị hành chính (làng, xã/phường; huyện/quận; tỉnh/thành phố) và các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, nông nghiệp, công nghiệp,…. ở tỉnh/thành phố; giảm bớt một số nội dung kiến thức trong chủ đề Trái Đất và bầu trời; đưa vào một số nội dung mới như tìm hiểu về lễ hội, về di tích văn hóa lịch sử và cảnh đẹp ở địa phương; một số thiên tai thường gặp và cách phòng tránh; cách bảo vệ sự an toàn của bản thân, phòng tránh bị xâm hại,…

Theo Ban soạn thảo môn học này, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Tự nhiên và xã hội mới chủ yếu được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc (giữ lại những kiến thức căn bản cốt lõi, tinh giảm những kiến thức khó, không phù hợp,…). Thêm vào đó, đa số giáo viên dạy môn Tự nhiên và xã hội ở tiểu học đã được tiếp cận và thực hiện đổi mới phương pháp dạy học môn học ở trên lớp.

 

Mặt khác, môn Tự nhiên và xã hội là môn học về thiên nhiên, con người và xã hội gần gũi xung quanh do đó, giáo viên có thể khai thác vốn sống của học sinh ở các mức độ khác nhau giúp các em tham gia vào bài học và từng bước áp dụng được những kiến thức đã học vào cuộc sống. Giáo viên có thể khai thác điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương để tổ chức cho học sinh ở mọi vùng miền của đất nước được học tập thông qua chính cuộc sống của bản thân, gia đình và cộng đồng của mình.

 

Chương trình môn Tự nhiên và xã hội là chương trình mở, cho phép giáo viên được lựa chọn đối tượng học tập sẵn có ở địa phương để dạy học nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu chương trình. Ngoài ra, chương trình mở còn cho phép giáo viên có thể thay đổi thứ tự các chủ đề học tập, đặt ra các tiêu đề bài học trong mỗi chủ đề, xác định thời gian và điều chỉnh thời lượng học tập cho mỗi chủ đề cho phù hợp với thực tế địa phương, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị của nhà trường.

 

Tuy nhiên, do chương trình môn Tự nhiên và xã hội mới được xây dựng trên cơ sở định hướng tiếp cận năng lực, có một số nội dung kiến thức mới nên có thể giáo viên sẽ gặp một số khó khăn ban đầu. Nhưng những khó khăn, thách thức này có thể được khắc phục thông qua các tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng và các đợt tập huấn thường xuyên và định kỳ./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực