Mức phạt cao nhất có thể đến 80 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục

Thứ ba, 02/10/2018 16:12
(ĐCSVN)- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa đưa ra Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, Dự thảo quy định tăng mức tiền phạt đối với nhiều hành vi vi phạm, trong đó mức xử phạt cao nhất lên đến 80 triệu đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: VA

Tổ chức dạy thêm trái phép bị phạt 15 triệu đồng

Trong dự thảo đưa ra nhiều mức phạt đối với các hành vi vi phạm về tổ chức dạy thêm. Theo đó, phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi không đảm bảo cơ sở vật chất.

Thực hiện không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm, bị phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng. Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.

Hành vi sử dụng người dạy thêm không đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định, bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng; tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa, bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng.

Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng địa điểm đã được cấp phép; tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép. Trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy thêm theo chương trình giáo dục phổ thông, bị phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng.

Tổ chức hoạt động dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn, bị phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng. Ép buộc học sinh học thêm bị phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.

Xâm phạm thân thể nhà giáo và người học phạt 30 triệu đồng

Nghị định cũng quy định mức phạt đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục và người học, cụ thể: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục và người học.

Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục và người học.

Ngoài những mức xử phạt này, người vi phạm buộc phải công khai xin lỗi người bị xúc phạm. Nếu là nhà giáo vi phạm một trong những hành vi nêu trên, còn bị đình chỉ dạy từ 1 - 6 tháng.

Bị phạt 80 triệu đồng khi tuyển sinh vượt chỉ tiêu

Dự thảo cũng quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về hoạt động tuyển sinh. Cụ thể, phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt năng lực thực tế, không công khai đề án tuyển sinh, công khai thông tin trong đề án tuyển sinh sai sự thật, công khai không đúng thông tin liên quan đến tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi thu nhận hồ sơ hoặc hỗ trợ tuyển sinh khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; không công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Phạt tiền từ 35 - 40 triệu đồng đối với hành vi tổ chức tuyển sinh đối với ngành, chuyên ngành khi chưa được cấp phép.

Đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ vượt quá số lượng so với chỉ tiêu đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép, từ 20% đến 40% bị xử phạt từ 40 - 60 triệu đồng; vượt từ 40% trở lên bị phạt 60 - 80 triệu đồng.

Vi phạm trong kỳ thi, phạt đến 50 triệu đồng

Các hành vi can thiệp vào kết quả kỳ thi ngoài bị xử lý hình sự sẽ phải chịu hình thức xử phạt hành chính.

Cụ thể, phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với hành vi gây rối hoặc đe dọa dùng vũ lực ngăn cản người dự thi và người tổ chức thi, thanh tra thi, coi thi, chấm thi, phục vụ thi.

Phạt tiền từ 3 - 6 triệu đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật về kỳ thi. Phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng đối với hành vi làm mất bài thi.

Người vi phạm sẽ bị buộc bảo đảm quyền lợi của thí sinh và bị phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy chế thi theo các mức phạt sau đây: Từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi; Từ 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài; Từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác; Từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định hoặc nhập điểm vào máy vi tính không đúng với điểm thực tế của bài thi. Ngoài ra, còn bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi.

Từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi hoặc lấy bài của thí sinh này giao cho thí sinh khác; Từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định hoặc chấm thi không đúng hướng dẫn.

Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi làm lộ bí mật hoặc làm mất đề thi hoặc đưa đề thi ra ngoài trong thời gian thi hoặc đưa bài từ ngoài vào phòng thi trong giờ thí sinh làm bài.

Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi tổ chức ra đề thi không đúng quy định. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định hoặc nhập điểm vào máy vi tính không đúng với điểm thực tế của bài thi.

Dự thảo sẽ lấy ý kiến đóng góp hết ngày 25/11/2018./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực