Ngôi trường gắn với nhiều chữ “đầu tiên”

Thứ năm, 16/11/2017 08:49
(ĐCSVN) – Năm 2017, Trường Trung học phổ thông (THPT) Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) tròn 20 tuổi, trong đó có 9 năm phát triển theo mô hình công lập tự chủ tài chính toàn phần. Thực tế thành công của mô hình này ở Trường THPT Phan Huy Chú đã khẳng định đây là hướng đi có nhiều triển vọng để nâng cao chất lượng dạy và học.
Trường THPT Phan Huy Chú được công nhận là trường chất lượng cao, tháng 5/2015. (Ảnh: LH)

Những bước phát triển đáng ghi nhận

Gặp Thạc sĩ Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng trong buổi khai mạc giao lưu bóng đá giữa các thế hệ học sinh chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập trường, khi giới thiệu về nhà trường, thầy Hiệu trưởng tâm đắc: Tên trường Phan Huy Chú của chúng tôi luôn gắn với những chữ “đầu tiên”: Trường THPT bán công đầu tiên, trường công lập tự chủ tài chính toàn phần đầu tiên, trường THPT công lập tự chủ chất lượng cao đầu tiên của thành phố Hà Nội. Điều tâm đắc ấy chất chứa niềm tự hào, song cũng bao hàm cả sự thấm thía với những gian nan, thử thách trong bối cảnh phát triển chung của ngành giáo dục cả nước và trên địa bàn Thủ đô thời gian qua. Từ tháng 11/2013, Trường THPT Phan Huy Chú được công nhận là trường chuẩn Quốc gia, được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội chọn thí điểm đi đầu cho mô hình trường chất lượng cao và đến tháng 5/2015, trường được công nhận là trường chất lượng cao (đạt được 5 tiêu chí: cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô giáo, chương trình học vừa đảm bảo quy định của Bộ GD&ĐT vừa được nâng cao, phương pháp giảng dạy luôn đổi mới và tiến bộ, các dịch vụ giáo dục chất lượng cao).

Được biết, để có những bước phát triển đáng ghi nhận như vậy, Trường THPT Phan Huy Chú đã phải "tự thích nghi" với môi trường nhiều áp lực, cán bộ giáo viên nhà trường luôn nỗ lực và dần “quen và thân” với khó khăn, thử thách. Bởi nếu ai không quen, không hợp thì đã tự “rẽ lối” về môi trường phổ biến hơn. Hơn nữa, dù ở mô hình “bán công” hay “công lập tự chủ tài chính toàn phần” thì nhà trường chỉ được cấp cơ sở vật chất ban đầu, không được cấp ngân sách cho chi thường xuyên và chi lương. Mọi sự vận hành, hoạt động của nhà trường 12 tháng trong năm đều lấy từ nguồn thu học phí 9 tháng thực học của học sinh, kể cả lương và bảo hiểm của đội ngũ biên chế, duy tu và bảo dưỡng cơ sở vật chất. Như vậy, nhiệm vụ chính của nhà trường là phải xây dựng và phát triển trên nền tảng “chất lượng để thu phục lòng tin” của phụ huynh, thu hút học sinh.

Theo thầy Hiệu trưởng Hà Xuân Nhâm, với nhận thức như thế, toàn bộ Hội đồng giáo dục nhà trường luôn nhắc nhau “Hãy làm việc với tinh thần của người đang thử việc”. Cách xác định này giúp chống lại “chủ nghĩa kinh nghiệm” cũ mòn và tư duy chủ quan, công thần; mọi người trong trường ai cũng nỗ lực làm việc với tinh thần để khẳng định vị trí của mình. Các thầy cô giáo đều thấu hiểu nhà trường luôn đi đầu thí điểm các mô hình, nên “nếu không sáng tạo, tự đi đầu mở đường thì không có đường mà đi”.

Xác định vấn đề con người là yếu tố quyết định, nhà trường tuyển chọn và phát triển được số giáo viên đạt trình độ đào tạo trên chuẩn là hơn 86%, số giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố là 42%. Hằng năm, nhà trường có 2 lần lấy ý kiến học sinh để giúp các thầy cô giáo tự điều chỉnh, hoàn thiện hơn. Nếu thầy cô nào đạt được số phiếu bình chọn đánh giá cao của 75% học sinh mình dạy trở lên, sẽ được tôn vinh với danh hiệu: “Thầy/cô được học sinh tin yêu”. Đây là một việc làm rất nghiêm ngặt, chặt chẽ, Ban giám hiệu trực tiếp đến từng lớp để thực hiện một cách độc lập. Với ý thức sâu sắc rằng nhà trường văn hóa phải là nhà trường phát triển mọi tiềm năng sáng tạo của học sinh, đồng thời cũng là môi trường sư phạm làm cho công việc và cuộc sống trở nên giàu ý nghĩa nhân văn, nên tập thể sư phạm ở đây luôn thực hiện nguyên tắc: không có sự cào bằng giữa người dạy tốt, "say nghề" và người dạy cho qua tiết học. Do đặc điểm mô hình nhà trường tự chủ toàn phần về tài chính nên mỗi giáo viên thực sự “tự trả lương cho mình” qua chất lượng, hiệu quả giáo dục. Mức lương xếp theo năng lực của giáo viên, trong đó có tham chiếu sâu ý kiến của toàn thể học sinh.

Ngôi trường “hay hội thảo, tọa đàm”, nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Những năm vừa qua, để khẳng định vị thế của mô hình công lập tự chủ, Trường THPT Phan Huy Chú đã nhạy bén đón nhận và triển khai những chỉ đạo mới nhất của Bộ và của Sở GD&ĐT: xây dựng và phát triển chương trình nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện tích hợp liên môn, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo mô hình nghiên cứu bài học, đổi mới kiểm tra đánh giá...

Đặc biệt, nhà trường thường xuyên tổ chức các hội thảo nâng cao chất lượng quản lý và chỉ đạo chuyên môn, đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức dạy học phù hợp mô hình và mục tiêu giáo dục. Trường THPT Phan Huy Chú được đánh giá là ngôi trường “hay hội thảo, tọa đàm” với qui mô nội bộ và cụm trường, trong đó phần lớn là các hội thảo mang tính chất cập nhật và căn cốt của đổi mới giáo dục: Hội thảo “Đổi mới dạy học phải bắt đầu từ tạo sinh khí dạy và học” (tháng 2/2013, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội chủ trì); Tọa đàm “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” (tháng 4/2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì); Tọa đàm “Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường trung học phổ thông” (tháng 3/2016, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì); Hội thảo “Đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh” (tháng 12/2014, Tiến sĩ Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT chủ trì); Hội thảo “Đổi mới phương pháp dạy học là không bỏ rơi học sinh nào trong lớp” (tháng 12/2013, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàn – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT chủ trì)... Ngoài ra, còn các hội thảo, tọa đàm do trường chủ trì với các chủ đề như: “Chia sẻ và nhân rộng sáng kiến kinh nghiệm hay”, “Năng lực và áp lực khi làm giáo viên chủ nhiệm ở trường công lập tự chủ tài chính toàn phần”, “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh để khẳng định ưu thế của trường chất lượng cao”, “Học tiếng Nhật- cơ hội mới cho học sinh trên đường hội nhập quốc tế”, “Kỹ năng đặt câu hỏi và tổ chức hoạt động nhóm nhằm phát triển năng lực học sinh”...

Theo định hướng “dạy chữ song song với dạy người”, nhà trường rất chú trọng việc giáo dục chuyên môn luôn luôn gắn với giáo dục đạo đức để tăng năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn, thể hiện qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Đó là những chuyến trải nghiệm làng nghề, học tập tích hợp liên môn ở những quần thể di tích lịch sử, giao lưu học hỏi liên tỉnh thành, thăm Địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập, Bạch Đằng giang, Bến tàu Không số. Đặc biệt, hằng năm học sinh có chuyến đi 3 ngày mang tên “Hành trình tri ân”, nhà trường đưa học sinh đi trải nghiệm sáng tạo để học liên môn Ngữ Văn - Lịch sử - Địa lý - Giáo dục Công dân - Giáo dục Quốc phòng tại Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường Chín, Thành Cổ Quảng Trị, Cầu Hiền Lương - Sông Bến Hải, Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quê Bác kính yêu. Các chuyến đi kể trên không phải là đi tham quan du lịch mà đi học trải nghiệm theo chương trình đã lên. Vì vậy học sinh đi học theo khối lớp, theo năng lực và nhu cầu phát triển bản thân (không phải đóng kinh phí tham gia).

Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn trong Hành trình tri ân – Rèn tâm luyện đức, tháng 12/2016. (Ảnh: LH)

Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục với tỉ lệ học sinh thi đỗ và đạt điểm số cao trong kỳ thi tốt nghiệp và thi Trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển vào các trường Đại học, trường THPT Phan Huy Chú còn đem đến cho học sinh những cơ hội học tập đặc biệt để đảm bảo chuẩn đầu ra. Khi ra trường, mỗi học sinh có 3 chứng chỉ Tin học MOS của Microsoft có giá trị trên toàn cầu và suốt đời. Cùng với đó là chứng chỉ Tiếng Anh chuẩn quốc tế. Những chứng chỉ này rất hữu ích khi học sinh xét vào học, vào làm việc ở các trường đại học uy tín, các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia hoặc trong công việc sau này.

Hai mươi năm qua, có thể nói rằng những gì đã trải mới chỉ là khởi đầu, nhưng là một khởi đầu đầy ấn tượng của Trường THPT Phan Huy Chú, với nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao quý đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội… trao tặng. Mới đây nhất, tại Lễ tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô năm 2017, nhà trường vừa được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2012 – 2013 đến năm học 2016-2017 và Cờ thi đua của Chính phủ dành cho đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm học 2016-2017. Hướng đi của Trường THPT Phan Huy Chú thể hiện sự lan tỏa của một "tư duy mở" về giáo dục, có lẽ vì thế đã được nhiều cơ sở giáo dục trong và ngoài thành phố Hà Nội tìm đến giao lưu, tìm hiểu để vận dụng./.

Nguyễn Lê Huân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực