Nhà khoa học nữ miền Tây dành trọn đam mê cho cây lúa

Thứ năm, 11/07/2019 14:59
(ĐCSVN) - Là nhà khoa học nữ đầu tiên được vinh danh tại Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, GS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long đã làm nên kỳ tích đặc biệt trong việc chọn tạo thành công hàng chục giống lúa lai có khả năng chịu mặn, năng suất, chất lượng cao.

 GS.TS Nguyễn Thị Lang tại lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa. (Ảnh: Bích Liên)

Sinh năm 1957 tại tỉnh Bến Tre, GS.TS Nguyễn Thị Lang - người con gái của quê hương miệt vườn miền Tây Nam Bộ đã quyết tâm lên TP. Hồ Chí Minh chọn theo học ngành sinh học, một ngành học còn khá mới mẻ vào thời kì đó. Năm 1979, sau khi tốt nghiệp ngành sinh học tại Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, nay là Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, bà trở về công tác tại Sở Khoa học tỉnh Bến Tre ở cương vị Phó Trưởng phòng Kế hoạch Khoa học.

Từ năm 2006 - 2012, bà chuyển công tác đến Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, giữ vị trí Trưởng Bộ môn Di truyền và chọn giống. Năm 1994, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Di truyền chọn giống với luận án “Nghiên cứu di truyền tính trạng sinh lí ưu thế lai trên lúa”.

Nhà khoa học Nguyễn Thị Lang được phong hàm Giáo sư năm 2009. Từ năm 2006 đến nay, người con gái quê hương miệt vườn miền Tây Nam Bộ ấy liên tục hoàn thành các chương trình sau tiến sĩ về di truyền – giống, di truyền phân tử, công nghệ sinh học, về chuyển gen và chuyển giao kĩ thuật... Đây là những vấn đề rất thiết thực đối với thực tiễn sản xuất và chất lượng lúa gạo xuất khẩu ở Việt Nam, giúp bà có những đóng góp to lớn cho ngành lúa gạo quê hương.

Hiện tại, mặc dù đã nghỉ hưu, GS.TS Nguyễn Thị Lang vẫn tiếp tục công tác ở vị trí nghiên cứu viên cao cấp của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học Trường Đại học Cửu Long. Từ năm 2005 đến nay, bà tham gia đều đặn nhiều Hội nghị khoa học chuyên ngành tổ chức trong nước và quốc tế.

Các công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu của bà về bản đồ di truyền cây lúa, genome học cây lúa trong lĩnh vực di truyền, chọn giống cây trồng mang ý nghĩa thực tiễn cao, đóng góp thiết thực vào sự phát triển sản xuất lúa gạo trong nước và nâng cao vị trí ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trên thế giới.

Trong hơn 25 năm làm nghiên cứu, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã lai tạo thành công hơn 73 giống lúa, trong đó có 31 giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đưa vào sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. 106 giống lúa được đánh giá là triển vọng và đang trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia. Hơn 43 công trình nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Thị Lang đã mang đến giải pháp và ứng dụng thực tiễn cho sản xuất và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Bà là người chủ trì và trực tiếp tham gia gần 100 đề tài về sản xuất lúa gạo. Trong sự nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học chuyên ngành, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã hướng dẫn trên 30 luận án tiến sĩ, thạc sĩ. Bà đã nhận được nhiều bằng khen, chứng nhận về các công nghệ, giải pháp, kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng thành công trong thực tiễn.

Một trong những đóng góp nổi bật của bà là việc chọn tạo thành công các giống lúa chịu mặn có nguồn gốc từ giống lúa trời, dân gian gọi là "lúa ma".

Công trình nghiên cứu giống lúa của GS.TS Nguyễn Thị Lang
được trưng bày tại Viện Hàn lâm KH&CN. (Ảnh: Bích Liên)

Lúa ma là một giống lúa hoang dã, có sức sống mãnh liệt giữa vùng trũng Đồng Tháp Mười. Vào mùa lũ, "lúa ma" vượt lên nước lũ để trổ đòng, đơm bông, mang tặng con người những hạt gạo thơm ngọt, cứu sống bao người trong những năm chiến tranh, đói kém.

Biết "lúa ma" có những phẩm chất đặc biệt ấy, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã cùng chồng là GS Bùi Chí Bửu, cũng là một nhà khoa học nổi tiếng về cây lúa, lặn lội về Đồng Tháp Mười tìm cách nghiên cứu kết hợp những tính năng chịu đựng ưu việt của lúa ma với giống lúa cao sản để tạo nên một giống lúa mới.

Hơn 10 năm trời ròng rã, giống lúa mới mang tên AS996 (còn có tên là OM2424) đã ra đời với các tính năng nổi trội về khả năng sinh trưởng trong điều kiện đất phèn, thiếu lân, khả năng chịu mặn cao, kháng rầy nâu, phát triển tốt ở nhiều vùng, đạt năng suất cao... Và nó đã trở thành giống lúa chuẩn mực về tính chống chịu trong điều kiện khắc nghiệt.

Sau đó, hàng chục giống lúa chịu mặn, mang họ “OM” tiếp tục ra đời như: OM4498, OM5930, OM4900, OM6073... Cái tên "OM" được viết tắt theo địa danh Ô Môn, nơi đặt trụ sở Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long mà vợ chồng GS Nguyễn Thị Lang đã gắn bó nhiều năm. Đến nay, bà đã chọn tạo được 24 giống lúa được công nhận là giống lúa Quốc gia.

Công cuộc nghiên cứu chọn tạo các giống lúa chịu mặn có ý nghĩa rất lớn đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm, nơi cung ứng hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước nhưng lại là một trong ba vùng đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu.

Chính vì vậy, nhiều năm nay, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã cùng đội ngũ cán bộ khoa học Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực chọn tạo thành công nhiều giống lúa chịu mặn, đạt năng suất cao và phẩm chất tốt, thích nghi với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn. Hiện nay, bà đang nghiên cứu thêm các giống lúa có tính kháng đối với nhiều loại côn trùng, nhiều loại bệnh, có hàm lượng dinh dưỡng cao, có khả năng chống khô hạn, ngập, nóng và mặn.

Chia sẻ về thành công trong công trình nghiên cứu của mình, GS.TS Nguyễn Thị Lang cho biết, bà cũng không nghĩ rằng công trình của mình là 1 trong số 4 công trình khoa học vinh dự được nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao giải, vì từ trước đến nay giải thưởng này chưa có tiền lệ về lĩnh vực nông nghiệp, nhưng bà cảm thấy rất vui, cảm động và trân trọng.

Đối với bà, công cuộc đi tìm những giống lúa thích nghi với hoàn cảnh biến đổi khí hậu vừa là một nhiệm vụ cấp bách, đầy khó khăn và thử thách, nhưng khoa học luôn mang lại cho bà niềm hạnh phúc và sự say mê.

Nhắn nhủ với thế hệ trẻ đam mê khoa học, GS.TS Nguyễn Thị Lang cho rằng, để thành công trong sự nghiệp nghiên cứu, quan trọng là phải đeo đuổi sự nghiệp, phải liên tục mới thành công, nếu bỏ đầu này chạy đầu kia thì không bao giờ thành công; dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng đeo đuổi./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực