Những hạn chế của Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý nhà nước giai đoạn 2013-2016

Thứ hai, 15/01/2018 15:46
(ĐCSVN) - Đó là ý kiến của Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Ảnh minh họa. Nguồn: VA

Theo kết luận thanh tra, giai đoạn 2013-2016 công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo với nội dung về đội ngũ nhà giáo, hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, biên chế sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; thực hiện công khai được Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện đồng bộ trên cơ sở bám sát văn bản quy phạm pháp luật. Việc ban hành văn bản chỉ đạo được Bộ GD&ĐT quan tâm, hệ thống văn bản đồng bộ, bao quát các mặt công tác…

Tuy nhiên, thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót, khuyến điểm của Bộ GD&ĐT. Theo đó, công tác xây dựng và rà soát, điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy định, định mức kinh tế - kỹ thuật trong giáo dục, đào tạo còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập, cơ cấu không hợp lý, trình độ không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Bộ GD&ĐT chưa hoàn thành việc quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng, đại học, trong đó có mạng lưới các trường sư phạm;

Thêm nữa, việc tham mưu cho Chính phủ và ban hành bổ sung chính sách về lương, chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp khác theo tính chất, kết quả và chất lượng công việc phù hợp với vùng, miền; chế độ ưu đãi đối với giáo viên, giảng viên, nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục còn chậm.

Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; chưa bám sát thực tế phát triển kinh tế xã hội, sự phát triển dân số tự nhiên dẫn đến mạng lưới cơ sở giáo dục tuy có tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, vẫn còn thiếu, chưa đủ tiêu chuẩn.

Về biên chế sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại các địa phương tồn tại việc giao chỉ tiêu biên chế chưa đúng với quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ, không đúng và đủ theo quy định về định mức số lượng người làm việc đối với từng cấp học…

Bộ GD&ĐT chưa ban hành văn bản quy định điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và quy chế thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ngành giáo dục trong thời gian dài gây tâm tư, tâm lý không yên tâm công tác trong bộ phận không nhỏ viên chức ngành giáo dục….

Việc thực hiện chế độ lương, phụ cấp đối với nhà giáo ở Bộ GD&ĐT còn tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tâm lý, chất lượng công tác của bộ phận không nhỏ viên chức giáo dục. Trong khi ấy, việc kiến nghị, đề xuất về chế độ, chính sách đối với nhà giáo chưa được Bộ GD&ĐT quan tâm đúng mức và kịp thời.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 11 nội dung đối với Bộ GD&ĐT. Theo đó, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành bổ sung chính sách về tiền lương theo vị trí việc làm, trình độ đào tạo, chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp khác theo tính chất, kết quả và chất lượng công việc, phù hợp với vùng, miền. Cùng với đó là chế độ ưu đãi với giáo viên, giảng viên, nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục.

Nghiên cứu sửa đổi văn bản liên quan đến định mức biên chế đối với cơ sở GD&ĐT công lập (vấn đề định mức giáo viên/lớp, cấp phó cơ sở giáo dục) nhằm phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Ban hành văn bản quy định điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức ngành giáo dục.

Ban hành quy định tiêu chuẩn các chức danh giảng viên làm căn cứ để tuyển dụng, thực hiện chế độ làm việc, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ và các chế độ chính sách khác theo quy định của pháp luật.

Hoàn thiện trình Chính phủ nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 theo hướng dẫn phân cấp, phân công trách nhiệm rõ ràng hơn giữa UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT và Bộ, ngành chủ quản của các trường đại học nhằm giúp cho UBND tỉnh có điều kiện thực hiện nhiệm vụ được phân cấp dễ dàng hơn, tránh chồng chéo và không rõ ràng.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép tuyển viên chức chuyên trách làm công tác y tế, tài chính kế toán tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về giao chỉ tiêu biên chế ngành giáo dục đối với các địa phương nhằm kịp thời chấn chỉnh sai phạm, quy định không phù hợp.

Bộ này cũng cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm trong công tác cán bộ và sai phạm trong việc thực hiện công khai./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực