Quảng Ngãi: Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm

Thứ tư, 08/08/2018 19:54
(ĐCSVN) - Đồng chí Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp học các cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, nhất là liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên và dạy nghề cho lao động nông thôn.

Đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc làm Trưởng đoàn, ngày 08/8/2018 đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Quảng Ngãi về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, các cấp, các ngành và toàn xã hội trong tỉnh đã nhận thức đúng đắn và quan tâm hơn tới công tác phát triển giáo dục và đào tạo. Quy mô mạng lưới trường lớp phát triển nhanh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập.

Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi chiều 08/8. (Ảnh: Anh Kiều)

Quảng Ngãi đã đầu tư gần 7.600 phòng học, phòng chuyên môn ở các cấp học. Có 363 trường đạt chuẩn, vượt chỉ tiêu đề ra. Chương trình kiên cố hóa trường học, giai đoạn 2012 - 2016 đã đầu tư xây dựng 70 phòng học, nhà công vụ cho giáo viên trường mầm non thuộc huyện nghèo từ Chương trình 30A và vốn trái phiếu Chính phủ.

Ngành giáo dục đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, dạy nghề bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Việc đổi mới phương pháp dạy và học phổ thông theo hướng hiện đại được chú trọng, khuyến khích học sinh sáng tạo nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên địa bàn được chú trọng việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, xác định mục tiêu đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của người học và xã hội. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý và giảng dạy.


Đoàn công tác khảo sát một phòng thực hành dạy nghề của trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất
tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Anh Kiều)

Tuy nhiên, tỷ lệ huy động trẻ đúng độ tuổi vào nhà trẻ còn thấp. Tình trạng quá tải ở một số trường mầm non, tiểu học vẫn xảy ra. Chất lượng giáo dục tuy được cải thiện, nhưng chưa đồng đều, nhất là các huyện miền núi, vùng biển, đảo. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn còn thiếu, lạc hậu; tiến độ triển khai đề án kiến cố hóa trường, lớp còn chậm. Kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở một số cấp học còn thấp, không ít trường không duy trì chuẩn sau 5 năm.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Đoàn công tác đề nghị Ban Bí thư quan tâm chỉ đạo Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đầu tư, phân bổ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác của Trung ương hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi thực hiện các chương trình, dự án phát triển ngành giáo dục và đào tạo đã được phê duyệt.

Phát biểu tại buổi làm việc, đoàn khảo sát đã đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai Nghị quyết, đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp vào kết quả chung của toàn ngành.

Thay mặt đoàn công tác, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều biện pháp để đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở địa phương. Đặc biệt, Chương trình hành động số 51 của Tỉnh ủy đã tác động tích cực đến việc đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực ở địa phương và các khu vực lân cận.

Tỉnh Quảng Ngãi cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền nhằm nâng cao hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc cũng yêu cầu tỉnh tiếp tục quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp học các cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, nhất là liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên và dạy nghề cho lao động nông thôn./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực