Quy hoạch vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trữ nước ngọt cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long ​

Thứ tư, 08/08/2018 16:03

(ĐCSVN) - Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là thách thức lớn đối với các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười. Bởi vậy, việc cải tạo nơi đây thành kho dự trữ nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH đang là nhiệm vụ cấp bách. Với ý nghĩa trên, đề tài “Nghiên cứu giải pháp quy hoạch vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trữ nước ngọt cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH” phần nào tìm ra giải pháp đó cho người dân nơi đây.

Khu vực Đồng Tháp Mười. Ảnh: TL

Đề tài “Nghiên cứu giải pháp quy hoạch vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trữ nước ngọt cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” do PGS. TS Vũ Văn Nghị,Viện Quy hoạch Thuỷ lợi Miền Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ nhiệm, được triển khai từ năm 2016 và dự kiến hoàn thành năm 2019.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đồng Tháp Mười với 700 ngàn ha rừng tràm và mặt nước có khả năng trữ trên 100 tỷ m3 nước (gần 1/8 lượng nước có được hàng năm của cả nước ta), thuộc các tỉnh Long An và Đồng Tháp. Đây là vùng sụt hạ địa chất hiện đại và rất có khả năng sẽ trở thành một kiểu Biển Hồ trong tương lai như Biển Hồ của Campuchia theo tài liệu địa chất.

Vấn đề đặt ra cho hôm nay là cần cải tạo Đồng Tháp Mười thành một kho dự trữ nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long để đối phó với nguy cơ thiếu nước trong tương lai. Có lẽ hướng đi mới này của Đồng Tháp Mười sẽ làm thay đổi cơ bản quy hoạch hiện có của vùng đất ngập nước này nhưng là hướng đi đúng nhằm ứng phó với một vấn đề bức xúc nhất trong phát triển bền vững Nam Bộ: đó là vấn đề thiếu nước do biến đổi khí hậu và do tranh chấp nguồn nước của hệ thống sông Mekong, đồng thời cũng là hướng phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên của Đồng Tháp Mười.

Trước yêu cầu cấp thiết đó, Bộ TN&MT đã phê duyệt đề tài Nghiên cứu giải pháp quy hoạch vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng dự trữ nước ngọt cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH nằm trong Chương trình Khoa học và công nghệ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020.

Trên cơ sở đó, đề tài Nghiên cứu giải pháp quy hoạch vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trữ nước ngọt cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” của  PGS. TS Vũ Văn Nghị được triển khai đã đánh giá tác động của con người và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến cân bằng tài nguyên nước, hệ sinh thái và an ninh nguồn nước khu vực đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đồng Tháp Mười; nghiên cứu đánh giá tiền đề nhằm quy hoạch vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trữ nước ngọt cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, đánh giá đảm bảo an ninh nguồn nước cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất mô mình, giải pháp quy hoạch vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trữ nước ngọt cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường,  vùng Đồng Tháp Mười gồm có 3 tỉnh (Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An) đều dùng chung nguồn nước sản xuất nông nghiệp. Thời tiết cực đoan, thủy điện trên sông Mekong làm cho nước ngọt ngày càng khan hiếm, trong khi nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào nội đồng. Bởi vậy, nếu cả 3 tỉnh cùng làm dự án trữ ngọt, cùng có giải pháp tiết kiệm nước tưới và cùng chia sẻ nguồn nước thì thiệt hại sẽ giảm nhẹ, góp phần phát triển bền vững cho tương lai.

Cùng với đó, việc triển khai đề tài “Nghiên cứu giải pháp quy hoạch vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trữ nước ngọt cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” sẽ góp phần đánh giá hiện trạng, lập quy hoạch đầu tư các công trình trữ nước và phương án vận hành hệ thống thủy lợi để ngăn mặn, chia sẻ nguồn nước ngọt hiệu quả cho người dân đồng bằng sông Cửu Long./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực