Số ca sốt xuất huyết tại An Giang, Trà Vinh và Long An tăng cao

Thứ sáu, 20/09/2019 22:34
(ĐCSVN) – Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm của mùa mưa nên tạo điều kiện cho bọ gậy, muỗi sinh sôi, phát triển làm nguyên nhân bùng phát dịch sốt xuất huyết. Tại 3 tỉnh An Giang, Trà Vinh và Long An, số ca sốt xuất huyết đang có dấu hiệu tăng cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm, trở thành các khu vực có tỷ lệ cao trên cả nước.

An Giang: Ngày 20/9, Trung tâm Y tế dự phòng An Giang cho biết, từ đầu năm đến trung tuần tháng 9 có gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận tại An Giang, tăng 67% so cùng kỳ năm 2018 song chưa có ca tử vong. Số ca mắc bệnh tăng nhanh bắt đầu từ tháng 7/2019 đến nay, trung bình 200 ca/tuần. Toàn bộ 11/11 thành phố, thị xã, huyện trên địa bàn tỉnh đều có số ca mắc và tăng cao so cùng kỳ 2018.

Các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi An Giang thăm khám cho một bệnh nhi
bị sốt xuất huyết. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)
 
 Hiện tại An Giang là 1 trong 7 tỉnh có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều nhất ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Huyện Chợ Mới có số bệnh nhân cao nhất tỉnh với gần 1.400 ca, Tịnh Biên có 577 ca, Long Xuyên có 571 ca, Châu Thành có 344 ca…

Theo Trung tâm Y tế dự phòng An Giang, số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị tại Bệnh viện Sản nhi An Giang trong 9 tháng qua tăng gấp đôi so cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, từ tháng 7 đến nay bệnh viện đã tiếp nhận 165 ca sốt xuất huyết, tăng gấp 3 lần so thời điểm năm 2018.

Trà Vinh: Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh, từ đầu năm đến đến ngày 15/9, toàn tỉnh có 271 ổ sốt xuất huyết với 2.106 trường hợp mắc, tăng gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm 2018. Những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao là huyện Trà Cú (396 ca), Cầu Ngang (287 ca), Châu Thành (263 ca) và thành phố Trà Vinh (240 ca).

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Lơ cho biết, ngay khi phát hiện các ổ bệnh, đơn vị đã phối hợp với các địa phương xử lý triệt để nhằm khống chế lây lan; phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các huyện có số ca mắc cao và các vùng nguy cơ. Đồng thời, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại tất cả các điểm trường; huy động học sinh, sinh viên tham gia vệ sinh môi trường phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Trước tình hình số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh tăng cường các hoạt động giám sát bệnh sốt xuất huyết, kịp thời xử lý các ổ dịch vừa phát sinh tránh lây lan; giám sát côn trùng thường xuyên tại các xã trên địa bàn tỉnh định kỳ 1 lần/tháng; giám sát huyết thanh để phân tuýp vi rút lưu hành. Trung tâm trang bị đầy đủ hóa chất, máy phun cho các huyện, thị xã, thành phố; theo dõi chặt tình hình dịch tễ tất cả các địa bàn trong tỉnh, nơi nào có nguy cơ cao tổ chức phun xịt hóa chất diệt đàn muỗi trưởng thành, không để phát sinh dịch bệnh; phối hợp với các bệnh viện trong tỉnh tổ chức tập huấn về công tác chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết để không xảy ra trường hợp tử vong.

Long An: Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Long An cho biết, bước vào đầu mùa mưa từ tháng 7 đến nay, số người đến khám và nhập viện vì sốt xuất huyết tại bệnh viện tăng đột biến so với những tháng đầu năm 2019 và so với cùng kỳ 2018. Dự báo, số bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng trong những tháng mùa mưa, cần đề phòng những ca sốt xuất huyết nặng có sốc.

Người dân ở Long An dọn dẹp phế thải quanh nhà, lốp/vỏ xe cũ
không cho muỗi sinh sôi, truyền nhiễm dịch sốt xuất huyết - Ảnh: Thất Huy


Chỉ từ đầu tháng 9 đến nay, tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện đa khoa Long An là 163 ca, điều trị nội trú 158 ca. Trong khi đó, tháng 7 có tổng số 144 ca đến khám bệnh sốt xuất huyết, 132 ca nội trú. Tháng 8 có 226 ca đến khám, 207 ca nội trú. Trong tháng 6 chỉ có tổng số 74 ca đến bệnh viện khám bệnh sốt xuất huyết.

Theo đó, tổng số ca bệnh mắc sốt xuất huyết đến khám tại bệnh viện, bắt đầu cao điểm mùa mưa từ tháng 7 đến nay là 533 ca, so với cùng kỳ năm 2018 là 91 ca, tăng gần 6 lần. Đặc biệt, khoa Nhi có những ngày không đủ giường bệnh, 1 giường 2-3 bệnh nhân nằm điều trị, có trường hợp phải trải chiếu nằm dưới sàn.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Long An cho biết, các năm bệnh sốt xuất huyết đều tập trung nhiều vào những tháng mùa mưa, nhưng năm nay đặc biệt tăng vọt. Thời điểm này bước vào cao điểm mùa mưa, tình hình bệnh sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp. Năm nay, tổng  số ca sốt xuất huyết đến bệnh viện khám và nhập viện sẽ không chỉ tăng cao so với cùng kỳ năm trước, mà số ca bệnh nặng (có sốc) cũng tăng cao.

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng và diễn biến phức tạp, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết như sau:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với Ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

 

PC (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực