Tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật

Thứ tư, 13/12/2017 16:35
(ĐCSVN) – Sáng 13/12, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với tổ chức Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), Vụ Châu Á (Bộ Ngoại giao) và UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo quốc tế “Tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật”.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Đình Tăng)

Tham dự hội thảo có: Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa; bà Nguyễn Thị Nhã, đại diện của Việt Nam tại AICHR, lãnh đạo Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao), đại diện UNICEF tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ngành chức năng TP.Đà Nẵng cùng các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia về công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em các quốc gia thuộc ASEAN…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Hội thảo quốc tế “Tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật” là diễn đàn hết sức có ý nghĩa để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia về giáo dục chia sẻ các vấn đề cần quan tâm, các kinh nghiệm cũng như các khó khăn, thách thức về giáo dục trẻ khuyết tật từ các quốc gia trong khu vực ASEAN để từ đó có những giải pháp nhằm tăng cơ hội tiếp cận và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật ở mỗi quốc gia, đáp ứng yêu cầu của luật pháp mỗi nước thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của trẻ khuyết tật; đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy các nỗ lực tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật có hiệu quả và thành công hơn nữa tại khu vực ASEAN.

Nói về công tác giáo dục và chăm sóc trẻ khuyết tật tại Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, đây là công việc được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, nhất là giáo dục trẻ khuyết tật có chất lượng, thân thiện và bình đẳng. Trẻ khuyết tật cũng như mọi trẻ em khác đều có quyền được giáo dục, học tập; Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện để mọi trẻ em được đối xử bình đẳng, được tham gia học tập nhằm phát huy tối đa khả năng của bản thân và hội nhập cộng đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn số liệu thống kê cho thấy, tại Việt Nam có khoảng 1,3 triệu trẻ khuyết tật trong tổng số 6,7 người khuyết tật. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới ký cam kết thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1991. Việt Nam cũng ký cam kết về việc mở rộng cơ hội giáo dục cho mọi người (GDCMN) tại Diễn đàn Dakar (Senegal) năm 2000; Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc 2006, Chính phủ Việt Nam đã ký Công ước năm 2007 và chính thức được Quốc hội phê chuẩn vào tháng 11/2014; Cam kết thực hiện 7 lĩnh vực ưu tiên trong khuôn khổ “Hành động thiên niên kỷ BIwako hướng tới một xã hội hòa nhập, không vật cản vì quyền của người khuyết tật”.

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: Đình Tăng)

Theo Thứ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam cũng ban hành theo thẩm quyền và phối hợp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cụ thể hóa các chủ trương của Chính phủ về giáo dục đối với người khuyết tật; chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chương trình, đề án hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật; đào tạo, bồi dưỡng nguồn đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; tăng cường cơ hội vật chất, tài liệu, trang thiết bị dạy học đặc thù; thúc đẩy việc thành lập, hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập…

“Đến nay, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc xây dựng một môi trường giáo dục chất lượng, bình đẳng và thân thiện đối với trẻ khuyết tật” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh và cho biết thêm: Bên cạnh những kết quả đáng kể đó, hiện Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong lĩnh vực công tác này, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và ở những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn trẻ khuyết tật chưa được chăm sóc, giáo dục đầy đủ, chưa được đáp ứng đầy đủ nhu cầu để phát triển. Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về giáo dục trẻ khuyết tật còn ít về số lượng, phân bổ không đồng đều và chất lượng còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập chưa đáp ứng; việc xác nhận khuyết tật và mức khuyết tật cho trẻ từ 0-6 tuổi, trẻ có rối loạn học tập đặc thù, trẻ rối loạn phổ tự kỷ… còn gặp nhiều khó khăn về nhận thức cũng như khâu tổ chức thực hiện.

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tất cả những cam kết để đảm bảo cho mọi trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục một cách tốt nhất; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, bình đẳng, thân thiện cho mọi trẻ khuyết tật, tạo mọi cơ hội để trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng, giúp các em trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.

Ngay sau phiên khai mạc, đại diện các tổ chức, Bộ, ngành có liên quan của Việt Nam và các nước đã thảo luận, trao đổi các nội dung liên quan đến chủ đề mà Hội thảo đặt ra; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp để các quốc gia ASEAN tiếp tục đẩy mạnh việc tạo cơ hội hòa nhập và được tiếp cận giáo dục một cách tốt nhất cho trẻ khuyết tật.

Hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày 13 và 14/12/2017./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực