Tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân

Thứ tư, 10/10/2018 14:15
(ĐCSVN) - Đại diện Bộ Y tế khẳng định, hiện nay, tình hình dịch bệnh Đông – Xuân vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Bộ Y tế, đặc biệt là 3 loại bệnh hay gặp nhất trong mùa Đông -Xuân là bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết, không có hiện tượng "dịch chồng dịch", nguy cơ bùng phát dịch nghiêm trọng như năm 2014 rất ít có khả năng xảy ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Dương Ngọc

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tích lũy 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó, 29.324 trường hợp mắc nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam.

So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%. Tuy vậy, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội.

Số mắc chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 79%) và dưới 1 tuổi (chiếm 17%).

Trước thông tin về việc vi rút gây bệnh tay chân miệng đã biến chủng, biến đổi kiểu gen để tạo thành vi rút mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu khẳng định, các type vi rút gây bệnh tay chân miệng ở nước ta hiện nay gặp chủ yếu là EV71 (chiếm 21%).

“EV71 là chủng dễ gây biến chứng nặng và gây tử vong, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi. Hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của vi rút gây bệnh tay chân miệng ở Việt Nam”, ông Trần Đắc Phu giải thích.

Ngoài dịch bệnh tay chân miệng, hiện bệnh sởi và sốt xuất huyết cũng đang là nỗi lo của cộng đồng. Tích lũy 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 2.942 ca sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó, có 1.093 trường hợp mắc sởi dương tính tại 40 tỉnh, thành phố, với 1 ca tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài). So với năm 2017, số mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần với các ca mắc lẻ tẻ, tản phát, không thành ổ dịch lớn.

Dự báo của Bộ Y tế trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sởi rải rác tại các địa phương, do tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 95% quy mô xã, phường, đặc biệt tại khu vực di biến động dân cư lớn, vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc sinh sống. Bệnh sởi chủ yếu mắc rải rác, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc, tuy nhiên hiện đã ghi nhận một số trường hợp mắc sởi rải rác tại các tỉnh khu vực miền Nam.

Bệnh sốt xuất huyết trong các tuần gần đây có xu hướng tăng nhẹ, do miền Nam đã bắt đầu vào mùa mưa. Tích lũy 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2017, số mắc giảm 53,6%, số tử vong giảm 22 trường hợp.

Để tránh tình hình dịch bệnh gia tăng, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường giám sát các dịch bệnh mùa Đông - Xuân, tập trung vào các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi… để phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch, triển khai các hoạt động phòng dịch chủ động tại những nơi có nguy cơ cao.

Cùng với đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường cường trong công tác khám, phân loại, điều trị bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết Dengue nhằm chống quá tải, giảm lây nhiễm chéo và giảm tử vong trong công tác điều trị bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác chăm sóc, điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh các tuyến; Đẩy mạnh, tăng tỷ lệ tiêm chủng trên cả nước, tổ chức tốt việc tiêm vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng. Triển khai Kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho 418 huyện tại 57 tỉnh./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực