Tăng cường kiến thức và kỹ năng phòng chống thiên tai cho học sinh

Thứ ba, 15/05/2018 22:32
(ĐCSVN) – “Các thầy cô giáo và nhà trường cần chủ động tăng cường kiến thức và kỹ năng phòng chống thiên tai; tăng cường các giờ học ngoại khóa hoặc tổ chức các buổi thực hành, diễn tập về phòng chống thiên tai cho các em học sinh; kịp thời quán triệt diễn biến và cách thức phòng chống thiên tai cho các em học sinh khi có tình huống xấu xảy ra”.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai kiêm Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã chia sẻ điều này tại Lễ mít tinh kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam (22/5/1946-22/5/2018) với chủ đề “Trường học an toàn trước thiên tai” ngày 14/5/2018, tại trường Tiểu học Phú Cường, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Sự kiện do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai phát biểu tại lễ mít tinh.
(Ảnh: Đại Thắng)

Ông Vũ Xuân Thành cũng nhấn mạnh rằng các em học sinh cần tích cực tìm hiểu về thiên tai xung quanh mình và kỹ năng ứng phó thông qua các tranh, ảnh, phim và các buổi học để bảo vệ an toàn cho bản thân mình trước các rủi ro, đặc biệt không vui chơi khi có mưa, bão, lốc, sét xảy ra; không đi qua các ngầm tràn, sông suối khi lũ về; tránh xa các ao hồ, nhất là trong kỳ nghỉ hè; mỗi em trở thành một tuyên truyền viên tích cực để bạn bè, gia đình và cộng đồng xung quanh chủ động tham gia công tác phòng chống thiên tai tại nơi mình sinh sống.

Học sinh Trường Tiểu học Phú Cường, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, tham gia giao lưu,
tìm hiểu phòng chống thiên tai. (Ảnh: Đại Thắng) 

Phát biểu tại Lễ mít tinh, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên khẳng định: Thực tế đã chỉ ra rằng, thiên tai là khó tránh khỏi, nhưng phòng, chống để hiểm họa đó không trở thành thảm họa là điều mà chúng ta có thể làm được.

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên.
(Ảnh: Đại Thắng)

Điều kiện cơ sở vật chất ở mỗi địa phương là khác nhau, nhiều nơi còn rất khó khăn, nhưng nếu được trang bị kiến thức, kĩ năng về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai để chủ động vận dụng sáng tạo thì có thể giảm nhẹ tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bà Simone Vis, Trưởng Chương trình giáo dục UNICEF tại Việt Nam, cho biết rất phấn khởi khi công tác phòng chống thiên tai trong hệ thống ngành giáo dục của Việt Nam sẽ được tăng cường mạnh mẽ trong thời gian tới bằng cách phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua Chương trình phối hợp công tác vừa được ký kết.

Trưởng Chương trình giáo dục UNICEF tại Việt Nam, bà Simone Vis, phát biểu tại lễ mít tinh.
(Ảnh: Đại Thắng)

UNICEF hy vọng rằng tất cả trẻ em sẽ có được kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình trước các rủi ro thiên tai. UNICEF tin tưởng rằng động lực tuyệt vời của Ngày truyền thống phòng chống thiên tai và quan hệ đối tác rộng mở sẽ đưa công tác giáo dục về phòng chống thiên tai lên một tầm cao mới, góp phần xây dựng văn hóa, hành động chung tay vì một xã hội an toàn hơn trước thiên tai.

72 năm trước, vào ngày 22 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 70 thành lập Uỷ ban Trung ương về hộ đê, tiền thân của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ngày nay.

"Ngày truyền thống phòng chống thiên tai của Việt Nam" được coi là cột mốc truyền thông quan trọng ngay trước mùa bão để nhắc nhở, khuyến khích và vận động nhân dân, toàn bộ hệ thống hành chính các cấp, hệ thống trường học và các ngành nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tăng cường nỗ lực trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai và chuẩn bị ứng phó với thiên tai.


Khắc Kiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực