Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp

Thứ hai, 21/01/2019 16:23
(ĐCSVN) – Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cần tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước theo chuỗi giá trị; đưa KH&CN vào phục vụ phát triển, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu.
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai công tác ngành KH&CN năm 2019. (Ảnh: Bích Liên)

Ngày 21/01, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai công tác ngành KH&CN  năm 2019. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Báo cáo tổng kết tại hội nghị Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết: Năm 2018, trong thành công chung của đất nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có những đóng góp quan trọng trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp, các hoạt động KH&CN tập trung vào ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất; năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường được nâng cao để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản. Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế. Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông sản, lâm, thủy sản.

Trong sản xuất công nghiệp, các hoạt động KH&CN tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm của doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp. Nhiều sản phẩm đã được thiết kế, chế tạo thành công đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu như: Dây chuyền sản xuất nhà thép nhẹ tiền chế; chế tạo robot 5 bậc tự do phục vụ đào tạo; chế tạo hệ thống sấy lúa vỉ ngang... Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất đã tạo ra các sản phẩm như: Thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ phòng và điều trị bênh ung thư, rối loạn mỡ máu, tim mạch, điều hoà hoócmon, các bệnh nhiễm HIV/AIDS, viêm gan... có giá thành bằng khoảng 60-70% giá của sản phẩm ngoại nhập. Đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân tập trung đầu tư lớn, dài hạn trong các ngành công nghiệp trọng điểm của đất nước.

Về lĩnh vực giao thông vận tải, các hoạt động KH&CN tập trung vào triển khai thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ, vật liệu mới trong xây dựng, bảo trì công trình giao thông.

Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, các hoạt động KH&CN tập trung triển khai các hoạt động ứng dụng các công nghệ đặc trưng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: Công nghệ khối chuỗi, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, tự động hóa (robotic), dữ liệu lớn.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, vùng phủ 4G của các doanh nghiệp viễn thông ngày càng mở rộng và có khả năng cung cấp dịch vụ cho trên 95% dân số; triển khai nghiên cứu để phát triển mạng 5G.

Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các hoạt động KH&CN đã tập trung vào việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất thuốc; ứng dụng tế bào gốc vào điều trị bệnh; nghiên cứu và sản xuất một số loại vắc xin phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng…Cùng với đó, toàn ngành đã thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử...

Cùng với đó, năm 2018, với vai trò là cơ quan đầu mối về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ KH&CN đã phối hợp xây dựng văn bản nghị quyết về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; triển khai Chương trình trọng điểm cấp quốc gia, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”; phê duyệt Kế hoạch triển khai “Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2025”. Ngoài ra, đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa đã bước đầu hình thành hệ thống nền tảng với các chức năng và công cụ cho phép thu thập, xử lý và chia sẻ các dữ liệu dùng chung trong một số lĩnh vực như: Dữ liệu bản đồ số Việt Nam; Dữ liệu tiếng nói tiếng Việt: Ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và bài giảng trực tuyến...

Nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động năm 2019, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng cho biết: Bộ KH&CN sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế; rà soát, tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng xác định doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia; phát triển tiềm lực KH&CN, nhân lực KH&CN...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất, thực hiện nhiều chương trình, đề án lớn như: Hệ tri thức Việt số hóa, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; đặc biệt đã chủ động tiến hành nhiều hoạt động thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của ngành và của đất nước. Nỗ lực của Bộ KH&CN và toàn ngành đã đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của đất nước năm 2018.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho biết, KH&CN Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và vị trí quốc sách hàng đầu; chưa có nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế và sản phẩm quốc gia mang thương hiệu Việt Nam có đóng góp đột phá đối với phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù đã xuất hiện một số doanh nghiệp lớn quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, đã tập trung đầu tư theo chuỗi giá trị nhưng nhìn chung, năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp Việt Nam còn rất thấp. KH&CN chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và dịch vụ trong nước, chưa có đóng góp thực sự mạnh mẽ cho tốc độ, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. “Thực trạng đó đặt ra thách thức rất lớn cho lực lượng KH&CN khi đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, hội nhập ngày càng sâu rộng và chịu sự tác động toàn cầu của cuộc cách mạng công nghệ công nghiệp lần thứ tư”, Phó Thủ tướng cho biết.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị: Cần tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN vào việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong nước theo chuỗi giá trị. Đưa KH&CN vào phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu. Tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ sinh thái; xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, Bộ KH&CN tổ chức hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, chỉ số Cạnh tranh toàn cầu và chỉ số về mức độ sẵn sàng cho sản xuất 4.0. Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, thực hiện các giải pháp để nâng cao thực chất chất lượng các chỉ số, nhóm chỉ số thành phần làm căn cứ để nâng mức xếp hạng của các chỉ số theo tinh thần Chính phủ đã chỉ đạo tại Nghị quyết 02 năm 2019.

Đồng thời, Bộ KH&CN cần triển khai mạnh mẽ, toàn diện Đề án Hệ tri thức Việt số hóa; Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các đề án, chương trình trọng điểm; rà soát, chuẩn bị phương pháp đánh giá hiệu quả của các chương trình, nhiệm vụ, đề án KH&CN các cấp giai đoạn 2016-2020, chuẩn bị căn cứ hình thành hệ thống chương trình KH&CN để triển khai trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực