Tập trung xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai

Thứ sáu, 22/02/2019 18:37
(ĐCSVN) - Để hạn chế tối đa những thiệt hại của thiên tai, năm 2019, ngành khí tượng sẽ quyết liệt triển khai xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai với sự tham gia của người dân và cộng đồng.

Mỗi năm thiên tai khắc nghiệt khép lại với những con số lịch sử về nắng nóng, bão, lũ… kéo theo biết bao hệ lụy và những tổn thất về nhân mạng, tài sản lại khiến những người làm khí tượng, các ngành chức năng đau đầu tìm giải pháp ứng phó.

 

Các hiện tượng khắc nghiệt của thời tiết ngày càng diễn biến khó lường. (Ảnh: Bích Liên)

Năm 2019, dự báo một mùa thiên tai khó lường, phức tạp

2019 được dự báo là một năm thời tiết nguy hiểm, khó lường. Điều này không khó hiểu khi giữa tháng 2/2019, một trận mưa đá, gió lốc bất ngờ xuất hiện tại nhiều địa phương trong tỉnh Lào Cai. Tại huyện Sa Pa, mưa đá dữ dội kèm theo mưa rào và gió giật mạnh tại các xã Tả Van, Tả Giàng Phình và các tổ dân cư khu vực Ô Quý Hồ (thị trấn Sa Pa).

Tại các phường Kim Tân, Bắc Cường (thành phố Lào Cai) cũng xuất hiện các đợt mưa đá nhẹ trong thời gian ngắn với đường kính cỡ hạt ngô. Ngoài ra, cùng thời gian trên, tại xã Y Tý (huyện Bát Xát) xuất hiện lốc xoáy mạnh trong cơn dông kéo dài khoảng 15 phút khiến một bộ phận nhà dân bị ảnh hưởng, tốc mái.

Đây là lần đầu tiên mưa đá, giông lốc xảy ra cùng lúc tại nhiều địa phương của tỉnh Lào Cai trong năm 2019. Trong khi đó, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: tố lốc, mưa đá, dông sét và gió giật mạnh chỉ xuất hiện vào tháng 4-5 trên toàn quốc, đặc biệt là khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, theo ghi nhận, mùa đông cũng đến sớm hơn hằng năm. Cụ thể, năm 2017, đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên đến vào ngày 13/10; năm 2016 là 29/10; năm 2015 là 9/10; năm 2014 là 4/10, năm 2013 là 25/9. Đặc biệt, trong năm 2018 vừa qua, ngày 7/9 đã xuất hiện đợt không khí lạnh đầu tiên. Những dấu hiệu này cho thấy mùa đông hằng năm đang đến sớm hơn.

Cùng với dông lốc, mưa đá, hằng năm. người dân hai miền Nam, Bắc cũng phải hứng chịu những đợt nắng nóng khủng khiếp kéo dài. Ngay những ngày đầu hè của năm 2018, miền Bắc, đặc biệt tại thủ đô Hà Nội, người dân đã phải gánh chịu đợt nắng nóng đỉnh điểm kéo dài đến 7 ngày liên tiếp với mức nhiệt từ cao nhất ban ngày phổ biến 36 - 40 độ C, thậm chí có nơi trên 41, 42 độ C.

Nói về mức độ ngày càng nguy hiểm và dị thường của thời tiết, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, dông lốc mạnh ở nước ta xảy ra cao điểm vào thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm khi có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa. Trong năm 2019, mưa đá xuất hiện ngay giữa tháng 2 này cho thấy dấu hiệu về thời kỳ mưa dông với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: lốc xoáy, gió giật mạnh, sét, mưa đá… đã đến rất gần.

“Thêm nữa, với nền nhiệt độ đang có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm trong các tháng gần đây sẽ là điều kiện nhiệt lực góp phần cho chúng ta dự đoán về một mùa thiên tai sẽ diễn ra khó lường, phức tạp trong thời gian tới", ông Năng cho hay.

Cũng theo các chuyên gia, năm 2019, nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình tại các khu vực. Số liệu thống kê cũng cho thấy, sau năm ENSO, bão trên Biển Đông không xuất hiện quá nhiều. Tuy nhiên, hiện tượng thời tiết cực đoan như xuất hiện những cơn bão mạnh, mưa lớn cục bộ hay nắng nóng bất thường có thể xảy ra. Hơn thế nữa, bất kỳ thời điểm nào,  sự không bình thường của thiên nhiên cũng có thể xảy ra đe dọa đến tính mạng, tài sản và đời sống con người như: lũ quét, sạt lở đất, hạn hán và tố lốc... Những hiện tượng này có thể coi là hiểm họa gây ra thiệt hại về người và của.

Hiện đại hoá hệ thống quan trắc, công nghệ dự báo

Theo PGS.TS Trần Hồng Thái - Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Khí tượng thủy văn, thời tiết ngày càng khắc nghiệt và nguy hiểm hơn. Để ứng phó, trong năm qua, ngành khí tượng đã thực hiện cảnh báo bão sớm trước 05 ngày, dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới trước 03 ngày. Dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2 - 3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%; cảnh báo rét đậm, rét hại trước 2 - 3 ngày với độ tin cậy 80 - 90%; cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 1 - 2 ngày, các sông khu vực Bắc Bộ, Nam Bộ trước 3 - 5 ngày thường đạt 70 - 80%; cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng trước từ 2 - 3 ngày có độ tin cậy 70%.

Đặc biệt, toàn ngành đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê dịch vụ đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là mưa, lũ nhằm huy động các nguồn lực xã hội hóa cho nâng cao khả năng cảnh báo, dự báo sớm mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt tại các vùng núi, thượng nguồn các hồ chứa…Nhờ vậy, độ chính xác trong bản tin dự báo bão của Việt Nam đã dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới,  góp phần giảm thiệt hại so với năm 2017.

Năm 2019 được dự báo là một năm các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: lốc xoáy, gió giật mạnh, sét, mưa đá… đến rất nhanh và gần hơn. Để ứng phó, ngành khí tượng sẽ đổi mới công tác dự báo, đa dạng hoá sản phẩm khí tượng thuỷ văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ và dự báo kịp thời, sát diễn biến các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm như: áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, nước dâng, nắng nóng, hạn hán, rét hại, sương muối; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho các cơ quan, ban ngành Trung ương, địa phương, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai.

Nhằm ứng phó kịp thời và phòng tránh thiệt hại cho người dân trên khắp các tỉnh, thành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết:  Năm 2019, Bộ sẽ tập trung cho việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai với sự tham gia của người dân và cộng đồng, kết hợp với đẩy mạnh nâng cao nhận thức về rủi ro thiên tai, để luôn đảm bảo trạng thái chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.

Cùng với đó, Bộ sẽ đầu tư các mô hình công nghệ hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào dự báo, cảnh báo, đo đạc, giám sát thiên tai khí tượng thủy văn liên quan đến sạt lở bờ sông, bờ biển; đặc biệt tăng cường quan trắc, điều tra, giám sát diễn biến dòng chảy, biến động bùn cát, bồi lắng, xói lở bờ sông, bãi sông và xu hướng biến đổi lòng dẫn các hệ thống sông, xác định các khu vực có nguy cơ sạt lở do khai thác cát sỏi./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực