Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ

Thứ sáu, 22/06/2018 18:46
(ĐCSVN) - Theo các đại biểu, để phát triển nông nghiệp hành lang đường Hồ Chí Minh, trước hết cần làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội dọc hành lang đường Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thu Hiền)

Ngày 22/6, tại Nghệ An, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và tỉnh Nghệ An đã phối hợp tổ chức Hội nghị “Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ”.

Hội nghị là một sự kiện quan trọng, một sáng kiến mới nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.

Gắn khoa học và công nghệ với cuộc sống

Theo Bộ KH&CN, 6 tỉnh miền Trung, vùng hành lang đường Hồ Chí Minh có 24 huyện, thị xã với diện tích trên 2 triệu ha. Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng đối với cả nước.

Lợi thế mở ra đối với khu vực hành lang đường Hồ Chí Minh qua vùng trước hết là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn, sản xuất theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Ngoài ra tuyến đường cũng mở ra những điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, vùng có rất nhiều lợi thế với hàng hóa tập trung cho nông sản, chăn nuôi đại gia súc và nhiều hoạt động khác như dược liệu khi liên kết các tỉnh với nhau. Đặc biệt là đã có sự vào cuộc của rất nhiều doanh nghiệp đầu tàu đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp như mô hình phát triển cây chanh leo của Công ty cổ phần NAFOODS; Tập đoàn TH ở Nghệ An; mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mía, rau, củ, quả, hoa của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn ở Thanh Hóa. Việc đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị đã tạo tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trình độ sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa cao, chất lượng nông sản chưa đồng đều ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân ở một số nơi còn thấp. Vấn đề đặt ra là cần phải đưa KH&CN vào cuộc sống gắn với phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh liên kết vùng, đưa KH&CN thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa để phát triển kinh tế - xã hội hành lang đường Hồ Chí Minh.

Đồng quan điểm này, tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp đã tập trung thảo luận, đưa ra các vấn đề trọng tâm và các giải pháp KH&CN phù hợp, phục vụ phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh qua vùng Bắc Trung Bộ, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng.

Theo ý kiến của các đại biểu, để phát triển nông nghiệp hành lang đường Hồ Chí Minh, trước hết cần làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội dọc hành lang đường Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, cần xác định trách nhiệm của chính quyền địa phương, tạo sự liên kết, đồng thuận chính quyền - người dân - doanh nghiệp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, để thúc đẩy phát triển phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh qua vùng Bắc Trung Bộ, cần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của KH&CN, thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của chính quyền bằng cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao trong nông nghiệp. Ngoài ra, cần phải có vốn và thị trường thì đầu tư KH&CN vào sản xuất nông nghiệp mới đạt hiệu quả cao.

Giải pháp nào thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa?

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế của các tỉnh trong vùng, nhất là dọc hành lang đường Hồ Chí Minh cho thấy, tuy đã có rất nhiều thay đổi về mọi mặt, đã hình thành và thu hút được khá đông các doanh nghiệp, song nhìn chung phát triển sản xuất kinh doanh ở dọc hành lang tuyến đường vẫn ở dạng nhỏ lẻ, manh mún. Trừ một vài doanh nghiệp có đầu tư lớn về công nghệ, sản xuất ra một số sản phẩm ở quy mô hàng hóa, còn lại đều đang sản xuất thô sơ, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa cung ứng cho thị trường. Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trước hết phải xác định được các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của vùng để phát triển, sau đó là xác định các giải pháp kĩ thuật - kinh tế chủ yếu để thúc đẩy phát triển.

Một số đại biểu cho rằng, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh, cần xác định các sản phẩm có lợi thế, có đặc trưng và khả năng phát triển thành vùng hành lang tại tất cả hoặc một số tỉnh dọc hành lang đường Hồ Chí Minh nhằm khai thác tiềm năng và vị trí của vùng.

Bên cạnh đó, giải pháp về cơ chế, chính sách đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh; trong đó, vấn đề đặt ra là cần phải nghiên cứu để có chính sách đồng bộ từ trung ương đến địa phương nhằm tạo cú huých thu hút được các nhà đầu tư cũng như tháo gỡ khó khăn cho người dân nhằm phát huy được tiềm năng của trục đường, nhất là chính sách khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất sản phẩm có lợi của vùng.

Ngoài ra, cần sớm lập quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ và được cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở cho các địa phương có căn cứ để điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội của từng tỉnh nói chung.

Đặc biệt, giải pháp về KH&CN cần tập trung lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư ứng dụng, đổi mới công nghệ trong chế biến, bảo quản nông sản, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; xác định 1 số nhiệm vụ, đề án, dự án về KH&CN cần ưu tiên triển khai.

Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ, cần dựa vào tiềm năng của tự nhiên, nguồn lực của từng địa phương. Cùng với đó là tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương để từ đó xác định đối tượng nông sản cần hướng đến và xây dựng quy mô sản xuất phù hợp. Bên cạnh đó, cũng cần lựa chọn công nghệ phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất và lao động, hình thành chuỗi giá trị theo ngành hàng, đặc biệt là vấn đề về chế biến. Để làm được điều đó thì doanh nghiệp vẫn đóng một vai trò quan trọng. Ông Lê Quốc Doanh khẳng định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ luôn đồng hành cùng Bộ KH&CN, các địa phương và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung Bộ.

Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá, KH&CN đã góp phần thúc đẩy sản xuất. Nhiều giống mới, biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến đã được áp dụng vào sản xuất. Cơ giới hóa nông nghiệp đã được đẩy mạnh góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản một số cây trồng chính của vùng.

Bộ trưởng nhấn mạnh việc cần đến sự sáng tạo, chịu làm và làm đến cùng của người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, để phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền - doanh nghiệp - người dân.

“Thời gian qua, sức sáng tạo đã tạo ra rất nhiều sản phẩm để KH&CN đóng góp cho kinh tế - xã hội của vùng. Vừa qua, với chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng, UBND các tỉnh trong vùng, Bộ KH&CN nhìn thấy những chuyển biến rõ nét của KH&CN trong việc đóng góp cho kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt là cho nông nghiệp của các tỉnh trên địa bàn”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh Anh cho hay.

Hội nghị có ý nghĩa quan trọng với sự tham gia của tất cả các tỉnh có liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng nhau thấy rõ những tín hiệu và tiếng nói chung để làm sao cho KH&CN được thúc đẩy trên cơ sở phát triển sản xuất, có doanh nghiệp đầu tàu. Đối với quy mô nhỏ như là trang trại thì cần phải làm gì để tăng cường sản xuất thông minh hơn và hiệu quả hơn đều đã có những giải pháp công nghệ cụ thể.

Hội nghị đã đi đến thống nhất cao, Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT phối hợp với các tỉnh thể hiện vai trò nhà nước đầu tiên là làm sao có Đề án tổng thể về quy hoạch, phát triển nông nghiệp dọc hành lang đường Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó những doanh nghiệp đầu tàu sẽ làm rõ thị trường cùng với các các nguồn lực để lựa chọn sản phẩm, công nghệ, trong đó có KH&CN sẽ tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực trong vùng./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực